Khác với cái năm đầu tôi ở Huế, mùa lạnh năm nay chỉ đến từ tầm tháng 12. Mưa cứ nặng hạt, hơi lạnh sởn cả da thịt khi tờ lịch mỏng dần vào phía tường. Những ngày cuối năm, cái thời điểm mà với sinh viên chúng tôi thì bài vở ôn thi trải dài ra tận ngõ, vậy mà vẫn rộn ràng, học cho kết quả đẹp đẹp về ăn Tết mới vui. Còn ở quê tôi, những “người Quảng dáng nâu” đang phấp phỏng chờ mùa kiệu.
Ba tôi hứa hẹn: “trúng kiệu ba mua cho mấy đứa cái tivi coi Tết”, mắt tôi đột nhiên rớm nước trong khi loa điện thoại cứ rộn lên tiếng reo mừng của hai đứa em. Thế là chờ, chờ ngày bán kiệu, chờ cái tivi, chờ ngày Tết. Má cũng cười, cũng chờ Tết đoàn viên nên hối hả đạp cho hết vòng đường thời gian. Cái xe đạp cà tàng dừng chặp hồi nhặt lượm mấy vỏ lon, túm giấy, má tôi mua ve chai…
Thương quá, những dáng nâu quê nhà, năm tháng mong cho lũ trẻ con đường sáng hơn, màu nâu qua bao đời người chưa đổi.
Má đi dọc mấy cung đường thành phố, mà trời Đà Nẵng mùa này cũng có dễ chịu gì cho cam, cũng gió cũng mưa ngấm da thịt rét căm căm, má vẫn cần mẫn đạp để góp thêm vài đồng cho ngày Tết đầy đủ. Đầy đủ với má tôi là chỉ dám mơ đến cho ba đứa con bộ đồ mơi mới, một ít bánh kẹo, ít hạt dưa cho chúng mời bạn, rồi một cân thịt heo dày những mỡ, ừ, rồi thì nhà có thêm hũ dưa kiệu nữa là thịnh soạn rồi. Vậy mà mọi năm đều vui, Tết dọn sang từ tối 30, má kê lại mấy cây củi cho hai thằng cu ngồi canh nồi bánh, rồi mới vào quét mạng nhện, sửa bàn, kê ghế. Điện ngoài hiên sáng trưng, tôi quét lại ngõ vườn, còn ba lầm dầm cúng giao thừa. Cả nhà rộn ràng cả đêm, lửa nồi bánh vẫn cháy, cháy trọn đêm cuối năm.
Thương ba má thật nhiều, vòng xe lam lũ ngược xuôi một đời, nhưng có được gì cho mẹ đâu, cái áo ngày Tết mặc đã mấy năm rồi. Vất vả một năm chỉ đổi lấy chút lớn khôn, chút mới mẻ cho lũ con còn dại đời, một chút nét cười để thấy mình cần sống vì những hạnh phúc cho con được nhiều hơn năm qua. Giá như có một điều ước mỗi năm, tôi chỉ ước cho màu mây xám đừng vươn tóc ba má chiều lạnh.
Cơn mưa giữa lòng thành phố, tím ngắt da thịt, má lại đạp từng vòng bánh xe. Đôi chân gầy đạp bánh xe lăn qua ngày tháng đã nuôi chúng tôi ăn học, vòng xe đang lăn về phía Tết.
Ở đây, thi thoảng ra đường, cả những ngày mưa thế này tôi có chạm mắt vài người như má tôi. Thường chỉ mỗi tôi chú ý, họ cũng đang hối hả đạp vội những vòng lăn ấy. Thấy họ, tôi chạnh lòng, nghe sống mũi cay cay, tôi nhớ má. Mùi bánh khoái nơi quán cóc thoảng qua thơm lừng tưởng bánh xèo của hôm qua, tôi nhớ nhà. Tôi thèm được về nhà, thèm vị khói cay mắt chiều làm bánh xèo, cả cái mùi hăng hắc nắng mưa trên áo ba má. Có quá không cái ước mơ giữa một thành phố mưa giăng “trắng trời”?
Tết với những người trẻ như chúng tôi có thể vui, còn với ba má là cả một sự tính toán. Có chắc là đã tính từ mấy tháng trước. Lo năm nay lũ con lớn, “sắm sửa được được cho nó đỡ tủi với bạn bè má nó hỉ”. Tôi cắn chặt môi, nhắm kịt mắt ngửa cổ lên trần nhà cốt cho nước mắt giấu lại sau hai bờ mi. Còn ba má thì sao? Cả tôi và những người đã nuôi con hẳn cũng khó trả lời thành tiếng được, có gì đó uất nghẹn nằm lại trong suy nghĩ của tình cảm.
Rồi một chiều cuối năm, gần đây thôi, cũng sẽ có một vòng bánh xe ở đây lăn về nơi đất Quảng đượm mùi nắng. Xe lăn bánh, chở ai đó về miền cát trắng. Tôi vuốt lại cái túi đựng hai bộ đồ xếp gọn, còn chưa báo cho ba má, món quà mua từ tiền học bổng của con gái.
Nguyễn Thị Hiệp
Cuộc thi “Thời khắc yêu thương” do Công ty TNHH Sapporo Việt Nam phối hợp với VnExpress thực hiện. Đây là nơi để bạn chia sẻ những kế hoạch, dự định ý nghĩa đến người mà bạn mong muốn gửi lời tri ân, yêu thương và cùng họ trải qua những thời khắc cuối cùng của năm. Chương trình kéo dài từ ngày 26/11 đến ngày 23/12 trên trang Đời sống, báo VnExpress. Độc giả gửi bài tham dự tại đây. |