Ông David Charles Kadarauch - Giám đốc Phân tích tại ACBS. |
Từ đầu tháng 5, hai sàn chứng khoán liên tiếp xuất hiện những nhịp điều chỉnh giảm sâu, nhà đầu tư trong nước liên tục bán tháo và thậm chí chấp nhận lỗ hàng chục phần trăm. Từng có thời điểm, Vn-Index mất trên 30 điểm và được coi là một trong những cú giảm tồi tệ nhất lịch sử thị trường.
Trái với động thái bán tháo từ nhà đầu tư nội, hơn một tuần qua, khối ngoại liên tiếp gom cổ phiếu với trị giá hàng trăm tỷ đồng mỗi phiên. Trao đổi với VnExpress, ông David Charles Kadarauch – Giám đốc Phân tích tại Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) khẳng định chứng khoán Việt Nam vẫn rất tiềm năng trong mắt giới đầu tư nước ngoài và dòng vốn từ khối này đổ vào đang nhiều nhất từ trước đến nay.
- Trong vòng một tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục xuất hiện những biến động mạnh. Theo ông, những nguyên nhân nào gây ra hiện tượng này?
- Vấn đề Biển Đông rõ ràng là nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán lao dốc trong những ngày gần đây. Hiện tượng bán giải chấp cũng đóng góp một phần, nhưng không đáng kể. Chúng tôi ước tính tổng dư nợ ký quỹ trên thị trường chỉ khoảng 3-4% giá trị vốn hóa lượng cổ phiếu giao dịch tự do và khoảng 5 lần giá trị giao dịch bình quân hàng ngày trong giai đoạn đầu năm.
- Vậy những yếu tố như trên ảnh hưởng thế nào đến tâm lý nhà đầu tư nước ngoài, thưa ông?
- Chúng tôi cho rằng giàn khoan của Trung Quốc cuối cùng cũng sẽ rút đi. Tất nhiên, vấn đề tranh chấp chủ quyền sẽ còn kéo dài. Vấn đề này cũng đã nổi lên trong vài năm nay. Nhưng nhìn chung nhà đầu tư nước ngoài vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn của kinh tế Việt Nam.
Thực tế, giải ngân FDI từ đầu năm đến nay tăng 7% so với cùng kỳ và chúng tôi ước tính sẽ đạt 11-12 tỷ USD (khoảng 6% so với GDP). Tuy nhiên, cũng phải nói rằng các hành động bộc phát nổi lên ở các khu công nghiệp trong những ngày vừa qua là một hình ảnh không tốt cho nhà đầu tư nước ngoài
- Trong những đợt giảm điểm và bán tháo, nhà đầu tư nước ngoài vẫn liên tiếp mua cổ phiếu Việt Nam. Nhận định của ông ra sao về động thái này?
- Như tôi đã nói ở trên, khối ngoại vẫn lạc quan vào kinh tế Việt Nam trong dài hạn và những đợt bán tháo là cơ hội để họ tích lũy thêm cổ phiếu giá rẻ. Chúng tôi cũng nhận thấy cơ hội mua tuyệt vời ở những cổ phiếu cơ bản tốt như FPT, IJC, BMP, MBB, HSG ...
Trong tháng 3 và 4 vừa qua, giá trị giao dịch trên cả hai sàn đạt mức 100 đến hơn 200 triệu USD mỗi phiên. Kinh nghiệm ở các thị trường mới nổi cho thấy khi thanh khoản đạt đến con số này, các quỹ đầu tư sẽ bắt đầu chú ý một cách nghiêm túc hơn. Thực tế, tần suất ghé thăm Việt Nam của các quỹ đầu tư đang nhiều hơn bao giờ hết.
- Với sự hỗ trợ từ dòng vốn ngoại như vậy, ông đánh giá mức độ tăng trưởng của chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới là bao nhiêu?
- Nhìn vào các con số kỷ lục của dự trữ ngoại hối, PMI, FDI, xuất nhập khẩu ... chúng tôi lạc quan về kinh tế Việt Nam. Chúng tôi cho rằng chỉ số Vn-Index sẽ không khó để đạt 700 điểm trong năm nay hoặc năm sau. Chúng tôi cũng tiếp tục khuyến nghị mua ở thời điểm hiện tại, cho mục tiêu dài hạn.
- Là nhà đầu tư giàu kinh nghiệm ở nhiều thị trường khác nhau, ông nhận thấy chứng khoán Việt Nam có những khác biệt thế nào so với các nước khác trong khu vực?
- Khá dễ để dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào khi nhìn vào lịch của các nước Đông Á, trong đó Việt Nam là một nước đi sau. Mặc dù tăng trưởng GDP không tương quan lắm với tăng trưởng của thị trường chứng khoán, nhưng GDP đầu người Việt Nam (khoảng 1.900 USD) hiện chỉ tương đương Thái Lan năm 1990. Thậm chí mức này còn chưa tính tới sự trượt giá của đồng USD. Điều này cho thấy tiềm năng rất lớn của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, điều chúng tôi lo ngại là cấu trúc nền kinh tế của Việt Nam có nhiều khác biệt, theo hướng tiêu cực như nhà nước nắm một nửa tài sản của hệ thống ngân hàng (dù Trung Quốc cũng giống vậy); các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả đang là con nợ lớn nhất hệ thống ngân hàng; các thủ tục hành chính đang làm cản trở môi trường đầu tư.
Xét riêng thị trường chứng khoán, chúng tôi hi vọng tỷ lệ room của khối ngoại sớm được nới rộng cũng như quá trình bán vốn ở các doanh nghiệp nhà nước đẩy mạnh hơn. Tuy nhiên, các quy định và thủ tục thoái vốn thiếu hợp lý đang gián tiếp cản trở dòng vốn ngoại.
Ông David Charles Kadarauch tốt nghiệp Thạc sỹ Kinh tế tại Đại học Cambridge (Mỹ). Ông từng đảm nhiệm chức Giám đốc điều hành tại Wood & Co (Ba Lan và Séc). Từ năm 2010, ông tham gia điều hành trong vai trò Giám đốc Phân tích, Giám đốc Khối Ngân hàng đầu tư tại một số công ty Việt Nam như Chứng khoán Sài Gòn, Chứng khoán Mekong. Từ tháng 4, ông gia nhập ACBS với cương vị Giám đốc Phân tích kiêm Trưởng phòng Khách hàng định chế. |
Tường Vi