Cổ phiếu các doanh nghiệp công nghệ lớn của Mỹ ghi nhận năm thứ ba liên tiếp tăng trưởng, khi những gã khổng lồ như Apple và Microsoft tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn từ thị trường bất kể môi trường kinh tế diễn biến như thế nào.
Năm đại gia công nghệ hàng đầu của Phố Wall, gồm Apple, Microsoft, Alphabet - công ty mẹ của Google, Amazon và Meta Platforms - công ty mẹ của Facebook kết thúc năm 2021 với mức tăng 2,4% đến 65%. Tổng vốn hóa của những doanh nghiệp này tăng thêm 2.450 tỷ USD. Trong đó, Microsoft, Apple và Alphabet là ba công ty đóng góp lớn nhất vào mức tăng năm 2021 của S&P 500.
"Nhà đầu tư đã nhận ra rằng các công ty này vẫn tiếp tục hoạt động cực kỳ tốt", Mark Luschini, chiến lược gia đầu tư tại Janney Montgomery Scott, công ty quản lý 125 tỷ USD, cho biết. "Sự tăng trưởng nhanh chóng của lợi nhuận, khả năng cạnh tranh và bảng cân đối kế toán tốt hơn đã bảo vệ họ khỏi một số rủi ro trong năm nay".
Alphabet
Cổ phiếu công ty mẹ của Google đã tăng 65% trong năm vừa qua, trở thành cổ phiếu có hiệu suất hàng đầu trong số những tên tuổi lớn nhất của Phố Wall.
2021 cũng là năm ghi nhận biên độ tăng của mã này cao nhất trong hơn thập kỷ, giúp Alphabet có thời điểm gia nhập câu lạc bộ các doanh nghiệp định giá trên 2.000 tỷ USD, cùng với Apple và Microsoft.
Công ty này được hưởng lợi từ sự tăng trưởng trong lĩnh vực kinh doanh điện toán đám mây, cũng như sự phục hồi trong chi tiêu quảng cáo kỹ thuật số, đặc biệt là các ngành bị ảnh hưởng bởi đại dịch năm 2020. Đầu tuần này, CFRA đã nâng khuyến nghị mua với Alphabet do "mức định giá hấp dẫn so với các công ty công nghệ vốn hóa lớn", cũng như "niềm tin doanh nghiệp này có thể duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm trong ba năm tới".
Microsoft
Vốn hóa của gã khổng lồ phần mềm đã tăng 51% trong năm 2021, giúp công ty tiến vào câu lạc bộ vốn hóa thị trường 2.000 tỷ USD. Cổ phiếu này đã tăng trong 10 năm liên tiếp, mức tăng dài nhất từ trước đến nay và mang lại lợi nhuận hai con số trong 9 năm liên tiếp. Tính từ năm 2011, cổ phiếu Microsoft đã tăng gần 1.200%.
Đà tăng của cổ phiếu này đến từ kỳ vọng vào kết quả kinh doanh, với nhu cầu ổn định từ thị trường với dịch vụ điện toán đám mây và phần mềm doanh nghiệp.
Apple
Cổ phiếu nhà sản xuất iPhone đã tăng 34% trong năm vừa qua, đánh bại mức tăng của S&P 500 năm thứ ba liên tiếp.
Dù vậy, năm 2021 là năm ghi nhận mức tăng khiêm tốn nhất của doanh nghiệp này, khi cổ phiếu Apple trước đó đã tăng hơn 80% trong cả năm 2019 và 2020. Vốn hóa của nhà sản xuất iPhone đến cuối năm 2021 đạt 2.910 tỷ USD.
Bất chấp các vấn đề đang diễn ra với các nhà sản xuất thiết bị di động, như thiếu chip và ảnh hưởng của đại dịch, Apple vẫn là một trong những cổ phiếu được các nhà đầu tư yêu thích nhất trong năm 2021.
Công ty này được giới phân tích đánh giá là tiếp tục hưởng lợi từ sự phổ biến của các sản phẩm mang thương hiệu Apple, tiềm năng từ các dịch vụ mới để duy trì tăng trưởng doanh số ổn định. Và tương lai có vẻ tươi sáng khi các nhà đầu tư ưa chuộng các cổ phiếu có khả năng tăng trưởng lâu dài, trong bối cảnh sự không chắc chắn liên quan đến chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và tỷ giá.
Meta Platforms
Cổ phiếu Meta đã tăng 23% vào năm 2021, gần bằng với S&P 500, bất chấp năm nay là một trong những năm hỗn loạn nhất trong lịch sử của Facebook.
Công ty này được hưởng lợi từ mức độ tương tác cao của người dùng trên các nền tảng và sự thay đổi liên tục của ngân sách quảng cáo đối với mạng xã hội, nhưng nó cũng phải vật lộn với tác động của chính sách quyền riêng tư đã thay đổi của Apple và sự giám sát gắt gao từ các cơ quan quản lý.
Vào tháng 10, Meta đã công bố trọng tâm mới là tập trung vào metaverse, một công nghệ thực tế ảo nhập vai.
Mức tăng của Meta chủ yếu đến trong nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, Phố Wall lạc quan về triển vọng của công ty này vào năm 2022, với mức định giá hấp dẫn hơn và khả năng tạo ra lợi nhuận.
Amazon
Cổ phiếu của công ty thương mại điện tử này có hiệu suất kém nhất trong nhóm "Big Tech" khi chỉ tăng 2,4% so với đầu năm. Dù vậy, con số này đủ để nối dài chuỗi tăng của cổ phiếu Amazon sang năm thứ 7 liên tiếp. Kể từ cuối năm 2014, cổ phiếu này đã tăng gần 1.000%.
Amazon giao dịch trong biên độ hẹp trong suốt nửa cuối năm, khi công bố báo cáo quý kém tích cực. Chi phí lao động tăng, cùng sự gián đoạn chuỗi cung ứng tạo áp lực đè nặng lên cổ phiếu.
Minh Sơn (theo Bloomberg)