Rạng sáng ngày 20/2, giá Bitcoin xác lập mức kỷ lục mới hơn 54.500 USD, nâng vốn hóa đồng tiền kỹ thuật số này lần đầu vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD. Nếu tính với toàn bộ 21 triệu đồng Bitcoin, vốn hóa sẽ đạt gần 1.150 tỷ USD.
Vốn hóa của Bitcoin đã tăng hơn 415 tỷ USD kể từ đầu năm nay, còn chỉ số của Bloomberg về tiền kỹ thuật số - Bloomberg Galaxy Crypto Index - bao gồm Bitcoin và bốn đồng tiền khác, đã tăng hơn gấp đôi.
Giới đầu cơ, doanh nghiệp và các nhà đầu tư tổ chức được xem là động lực chính thúc đẩy sự đi lên của Bitcoin. Một cuộc tranh cãi cũng đang nổ ra giữa các tín đồ tiền điện tử và những người hoài nghi về đà tăng phi mã của tiền ảo. Một bên nêu quan điểm ủng hộ Bitcoin bởi đồng tiền này là một tài sản được chấp nhận vì khả năng phòng ngừa rủi ro lạm phát, trong khi phía còn lại cảm thấy sự bấp bênh của đợt tăng giá.
Shane Oliver, chuyên gia về chiến lược đầu tư tại AMP Capital Investors, cho rằng tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội đang thúc đẩy nhiều người bỏ tiền vào Bitcoin. Thực tế, tỷ suất sinh lời nếu đầu tư vào tiền điện tử từ đầu năm 2021 hiện đã cao hơn cổ phiếu, vàng, hàng hóa và trái phiếu.
Trong tháng này, Tesla tiết lộ đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào Bitcoin, còn MicroStrategy đã đẩy quy mô bán trái phiếu chuyển đổi lên 900 triệu USD để mua nhiều hơn các đồng tiền ảo.
Tuy nhiên, CEO Tesla Elon Musk ngày 18/2 viết trên Twitter rằng khoản đặt cược 1,5 tỷ USD của hãng xe điện vào Bitcoin là khoản đầu tư "đủ liều lĩnh".
"Động thái của Tesla không trực tiếp phản ánh quan điểm của tôi. Nắm giữ một số Bitcoin – thứ chỉ đơn giản là dạng thanh khoản ít ngớ ngẩn hơn tiền mặt, là đủ liều lĩnh với một công ty thuộc chỉ số S&P 500", Musk viết trên Twitter. "Tuy nhiên, khi tiền tệ phải chịu lãi suất âm, chỉ có kẻ ngốc mới không tìm đến cái khác", ông viết thêm sau đó.
Oliver cho rằng, nếu Bitcoin "không còn được ưa chuộng", có thể do quy định của chính phủ hoặc các nhà đầu tư chuyển sang một loại tài sản khác, thì đồng tiền này có thể nhanh chóng lao dốc.
Minh Sơn (theo Bloomberg)