Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn ngoại vào Việt Nam tháng giáp Tết giảm chủ yếu ở những dự án mới. 40 dự án được cấp phép trong tháng này trị giá 211 triệu USD, bằng một nửa cùng kỳ năm 2013. Ngoài ra, cũng có 6 lượt dự án xin tăng vốn với tổng giá trị gần 190 triệu USD.
Tuy nhiên, giải ngân vốn FDI có sự cải thiện khi tổng vốn thực hiện ước đạt 465 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục thu hút các nhà đầu tư ngoại với vốn đăng ký chiếm gần một nửa tổng vốn FDI đổ vào dịp đầu năm, tiếp đến là bất động sản...
Trong hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án tại Việt Nam, Hàn Quốc là nước có lượng vốn FDI lớn nhất tháng đầu năm. Mới đây, dự án sản xuất thiết bị văn phòng của Sindoh Vina trị giá 30 triệu USD đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc trao giấy chứng nhận đầu tư. Dự kiến khi đi vào hoạt động năm 2013, nhà máy sẽ thu hút khoảng 500 lao động trực tiếp với thu nhập bình quân mỗi tháng từ 250 - 400 USD một người, nộp ngân sách hàng năm gần 3 triệu USD.
Một dự án lớn khác là khu đô thị, công nghiệp và dịch Việt Nam Singapore tại Hải Phòng (VSIP Hải Phòng) khi điều chỉnh vốn đầu tư thêm 122 triệu USD lên 268,2 triệu USD. Sau khi LG công bố đầu tư nhà máy 1,5 tỷ USD cộng với sự đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng (sân bay, cảng...), Hải Phòng đang trở thành một trong những trọng điểm thu hút vốn FDI phía Bắc.
Chưa được chính thức cấp giấy chứng nhận đầu tư, song với dự án nhà máy lọc dầu Vũng Rô, Phú Yên hứa hẹn thu hút thêm những dòng vốn mới "ăn theo", đáng kể là dự án tổ hợp du lịch - nghỉ dưỡng tại vịnh Vũng Rô tổng vốn 2,5 tỷ USD. Theo đó, ngày 14/1, Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô (Vung Ro Petroleum) và Tập đoàn Rose Rock chuyên quản lý đầu tư và phát triển bất động sản đã ký thỏa thuận hợp tác triển khai công trình này.
Thời gian qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế Việt Nam khi hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu đến từ khu vực này, chủ yếu trong lĩnh vực dệt may và điện thoại di động. Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp ngoại cũng tăng tới 6,6%, cao hơn mức bình quân 4,3%.
Tại một cuộc hội thảo đầu tuần, tiến sĩ Andrew Burns- chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhận định dòng vốn FDI ít dao động hơn các nguồn vốn khác, đồng thời gây hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế như kích thích tăng trưởng, trao đổi công nghệ, tạo công ăn việc làm... Đồng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Đặng Huy Đông nhận định "không thể bỏ qua dòng vốn FDI" vì khu vực này đang đem lại hàng triệu việc làm cho lao động và giúp Việt Nam trở thành một phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phương Linh