Theo báo cáo do Enterprise Singapore và DealStreetAsia mới công bố, các startup tại Việt Nam nhận được 510 triệu USD vốn đầu tư năm qua, thu hẹp từ mức 700 triệu USD hồi 2022. Thị trường có 54 thương vụ rót vốn, giảm hơn 34%.
Vốn đầu tư vào startup Việt Nam giảm trong bối cảnh "mùa đông rót vốn" tại Đông Nam Á. Năm ngoái, số thương vụ và giá trị giao dịch của 6 thị trường khởi nghiệp lớn nhất khối (Singapore, Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Philippines, Thái Lan) giảm lần lượt gần 29% và gần 53%. Trong đó, vốn vào Việt Nam giảm thấp nhất. Ảnh hưởng nặng nề nhất là Malaysia và Thái Lan, đều giảm trên 80%.
Xét về giá trị tuyệt đối, dòng vốn chảy vào startup Việt Nam năm qua đứng thứ 3, sau Singapore (6,1 tỷ USD) và Indonesia (1,28 tỷ USD). Singapore vẫn là "thủ phủ" khởi nghiệp khu vực, chiếm gần 64% số thương vụ và hơn 73% giá trị rót vốn. Dù vậy, đảo quốc cũng chứng kiến mức suy giảm về dòng vốn gần 45% trong năm qua, từ mức 11,04 tỷ USD vào 2022.
Trước áp lực về vốn và thị trường, các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á chọn tái cơ cấu quỹ lương, thu hẹp tuyển dụng và tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Báo cáo của Glints và Monk's Hill Ventures khảo sát hơn 10.000 điểm dữ liệu từ 183 nhân sự cấp cao và nhà sáng lập cho biết startup có xu hướng giảm lương IT và nâng lương bộ phận kinh doanh.
Tại Việt Nam, vị trí có mức lương sụt giảm nhiều nhất là lập trình viên Back-end, lên đến 8,2%, do dư thừa nhân sự từ các đợt cắt giảm và tái cơ cấu bộ máy của nhiều công ty trong giai đoạn kinh tế khó khăn.
Ngược lại, các vị trí liên quan đến bán hàng nằm trong top 3 những vị trí có nhu cầu tuyển dụng cao từ phía doanh nghiệp, phản ánh sự tập trung cao độ cho việc tạo doanh thu. "Trong suốt một năm qua, các startup Việt Nam vẫn tiếp tục thích nghi với những thách thức từ sự khó khăn chung của thị trường. Họ tái cơ cấu bộ máy, trở nên tinh gọn và hiệu quả hơn", bà Jessica Le, CEO Glints Việt Nam nói.
Viễn Thông