Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành quyết định cho phép Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tăng vốn điều lệ từ 67.434 tỷ đồng lên 79.339 tỷ đồng vào ngày 14/11. Điều này giúp VPBank vượt nhóm Big 4, vươn lên dẫn đầu hệ thống về quy mô vốn điều lệ và đứng thứ hai về quy mô vốn chủ sở hữu.
Tăng vốn điều lệ
Trước đó, hội đồng quản trị VPBank đã công bố nghị quyết sửa đổi vốn điều lệ của ngân hàng sau khi hoàn thiện thương vụ phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) trong tháng 10.
Thỏa thuận phát hành riêng lẻ 1,19 tỷ cổ phiếu VPB cho SMBC mang về cho VPBank hơn 35.900 tỷ đồng, tương đương gần 1,5 tỷ USD, vốn cấp 1. Vốn chủ sở hữu của VPBank nâng từ 103.500 tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng, đứng sau Vietcombank. Hoạt động bán vốn này được VPBank triển khai từ năm 2022, giúp ngân hàng đạt được các mục tiêu tăng trưởng chiến lược trong giai đoạn 2022-2026.
Nhờ đó, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng, theo tính toán của tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s, sẽ tăng lên gần 19% - dẫn đầu trong các ngân hàng tại Việt Nam được tổ chức này đánh giá. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước chỉ ra, tỷ lệ này cũng đang cao hơn so với CAR trung bình, theo Thông tư 41, của khối ngân hàng thương mại cổ phần 11,5% và tiệm cận ngưỡng trung bình 20,87% của các ngân hàng nước ngoài tính tới thời điểm cuối tháng 9/2023, .
Nền tảng vốn lớn có thể giúp VPBank đáp ứng các nhu cầu vốn ở các phân khúc chiến lược như khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Theo đại diện nhà băng, ngân hàng với bộ đệm vốn dày có đủ năng lực tài chính để phục vụ những khách hàng doanh nghiệp có quy mô lớn.
Bên cạnh đó, sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược SMBC có thể sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng của VPBank bằng kinh nghiệm tập đoàn này đã tích lũy được trong nhiều năm qua ở nhiều thị trường châu Á.
Duy trì tăng trưởng
Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo, việc VPBank bán 15% vốn điều lệ cho SMBC, giúp nâng tổng vốn chủ sở hữu lên gần 140.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ mở rộng cơ sở khách hàng của ngân hàng đến các công ty FDI, đặc biệt với các công ty có liên quan đến Nhật Bản.
"Chúng tôi do đó nâng dự phòng tăng trưởng cho vay năm 2023, 2024, và 2025 lần lượt lên 28, 25, 20%, cao nhất trong ngành để phản ánh nguồn vốn vững mạnh của ngân hàng", VNDirect viết trong một báo cáo phát hành giữa tháng 11.
Trên thực tế, tăng trưởng tín dụng của VPBank tại thời điểm cuối quý III đã tăng hơn 22% so với đầu năm, đạt hơn 488.000 tỷ đồng. Trong đó, tăng trưởng tín dụng trong phân khúc khách hàng cá nhân tăng 19% đạt hơn 232.000 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm, VPBank ưu tiên giải ngân một số sản phẩm cho vay có mức độ rủi ro ổn định và tạo ra tăng trưởng bền vững. Trong mảng cho vay mua nhà, VPBank tập trung vào cho vay mua nhà thứ cấp (tốc độ tăng trưởng 25%), cho vay sản xuất kinh doanh – tập trung vào cho vay các hộ sản xuất kinh doanh (tăng trưởng 22%). Với phần cho vay tín chấp, ngân hàng dẫn đầu về doanh số chi tiêu trên thẻ và thẻ phát hành với dư nợ trên thẻ tín dụng tăng trưởng 19%.
Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng cao hơn so với tăng trưởng tín dụng trung bình ngành 6,9% tại thời điểm cuối tháng 9. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn thấp hơn so với mức tăng trưởng tín dụng trên 30% đạt được trong các năm trước.
Đại diện ngân hàng lý giải, tốc độ tăng chậm lại này xuất phát từ định hướng tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, ưu tiên chất lượng của VPBank, phù hợp với diễn biến thị trường và nền kinh tế.
Để duy trì bảng cân đối lành mạnh, VPBank đảm bảo tăng trưởng ổn định mảng huy động trong quý III, đạt gần 462.000 tỷ đồng, tăng gần 35% so với đầu năm, cao hơn so với trung bình ngành 5,9%.
Khối khách hàng cá nhân của ngân hàng ghi nhận tăng 60% so với đầu năm, nhờ chiến lược phủ phân khúc và chương trình "toàn dân huy động".
Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) – nguồn vốn chi phí rẻ của ngân hàng, trong đó, đạt tăng trưởng hơn 22% so với đầu năm, góp phần nâng tỷ lệ CASA lên mức 17% trong cơ cấu nguồn vốn huy động của VPBank.
Cùng với hoạt động đẩy mạnh CASA, VPBank khai thác nguồn vốn quốc tế với kỳ hạn dài và chi phí hợp lý nhằm tối ưu hóa chi phí vốn đầu vào, qua đó hạ lãi suất cho vay, dẫn vốn vào nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu vay phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và các dự án xanh, chống biến đổi khí hậu.
Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay dài hạn của ngân hàng, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nằm ở mức 26,6% tại thời điểm cuối tháng 9, dưới ngưỡng yêu cầu 34% của cơ quan điều hành (giảm xuống 30% bắt đầu từ 1/10/2023).
Hồng Thảo