- Ông có thể cho biết tình hình giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở?
- Tính đến ngày 29/7, tổng số tiền các ngân hàng đã giải ngân cho khách hàng là 56,6 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân cho 97 khách hàng cá nhân với dư nợ 22,3 tỷ đồng. Đối với khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã xác nhận đăng ký của BIDV được ký hợp đồng tín dụng với 2 khách hàng trong khuôn khổ gói tín dụng này và BIDV đã cho vay với số tiền là 34,3 tỷ đồng.
- Đến thời điểm này, mới chỉ có một khách hàng doanh nghiệp được giải ngân, tại sao lại ít như vậy thưa ông?
- Khi ngân hàng làm việc với doanh nghiệp xét thấy tình hình tài chính của họ tốt thì ngân hàng ký kết hợp đồng nguyên tắc. Nhưng để được giải ngân thì còn phụ thuộc doanh nghiệp đó hoàn tất các thủ tục ký kết với ngân hàng. Chẳng hạn như đã được hoàn tất thủ tục cấp phép xây dựng nhà ở xã hội hay chưa hoặc đã bắt đầu khởi công dự án chưa...
- Trong thời gian qua, khách hàng cá nhân phản ánh thủ tục vay vốn ngân hàng quá khắt khe. Điều này liên quan như thế nào tới việc gói tín dụng 30.000 tỷ giải ngân chậm?
- Đây là gói tín dụng thương mại tức là ngân hàng cho vay và phải thu hồi. Do đó, ngân hàng phải thẩm định phương án, khả năng trả nợ của khách hàng để đảm bảo khoản vay thu hồi được, không có nợ xấu phát sinh. Tuy nhiên, một vấn đề lớn nhất tạo lực cản tâm lý đối với ngân hàng đó là sợ sai đối tượng. Nguyên do, theo phản ánh của các ngân hàng họ vướng nhất trong việc xác nhận thực trạng nhà ở theo quy định.
Cụ thể, có nơi UBND xã, phường xác nhận, có nơi thì không xác nhận hoặc chỉ xác nhận về thực trạng nhà ở trong phạm vi địa bàn quản lý cho khách hàng. Lấy giả thiết nếu ngân hàng vẫn cho vay theo kê khai của khách hàng là hiện trạng nhà ở dưới 8 m2 mà chưa có xác nhận của phường, đến khi điều tra lại diện tích nhà lớn hơn so với kê khai thì ngân hàng đã cho vay sai đối tượng. Do đó, sau này thanh tra, kiểm tra nếu không trúng đối tượng ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm pháp lý. Các ngân hàng chỉ sẵn sàng “ra vốn” trong trường hợp khách hàng phải thuộc đúng đối tượng ưu tiên và đáp ứng điều kiện về tín dụng.
Ngay từ khi triển khai Ngân hàng Nhà nước khẳng định đây là gói tín dụng thương mại có hỗ trợ về lãi suất, thời gian dài… chứ không thể hỗ trợ tuyệt đối cho người vay. Trong quá trình thực hiện, Ngân hàng Nhà nước cũng như Bộ Xây dựng sẽ phối hợp chặt chẽ để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc.
Ví dụ, theo quy định khách hàng phải ký hợp đồng mua nhà thì mới được ngân hàng ký hợp đồng cho vay. Nhưng vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản gửi các nhà băng về vấn đề này. Theo đó, khi khách hàng lựa chọn được một căn nhà nhưng chưa ký hợp đồng có thể đến ngân hàng tư vấn và trình bày nguyện vọng vay vốn. Nếu ngân hàng thẩm định khách hàng này đáp ứng được các điều kiện vay vốn có thể phát hành thư công tác gửi đến các chủ đầu tư dự án tạo điều kiện cho người mua cũng như lòng tin cho chủ đầu tư để hai bên ký hợp đồng mua nhà.
Tuy nhiên, hiện nguồn hàng theo chuẩn hay nói cách khác là số lượng nhà ở xã hội đáp ứng điều kiện tại Nghị quyết 02 vẫn còn ít. Do nhiều dự án nhà ở xã hội đang có nhưng diện tích nhà lớn hơn theo quy định. Nên hiện phần lớn số nhà ở xã hội theo quy định mới đang khởi công.
- Vậy, trong thời gian tới nút thắt nào cần được tháo gỡ để khơi thông dòng chảy gói tín dụng này?
- Ngoài những vướng mắc như tôi nói ở trên, tổng hợp phản ánh, kiến nghị từ các ngân hàng, hiện nay, khó khăn, vướng mắc trong cho vay hỗ trợ nhà ở liên quan chủ yếu đến thông tư của Bộ Xây dựng.
Chẳng hạn như việc xác định các thành viên của hộ gia đình. Theo Thông tư 07 quy định, mỗi hộ gia đình chỉ được vay một lần hỗ trợ nhà ở. Như vậy, việc xác định các thành viên trong hộ gia đình căn cứ vào quy định nào? Với khách hàng chưa có nhà nhưng đã có đất (đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) hoặc có nhà nhưng ở địa phương khác thì có được tham gia chương trình hay không.
Các ngân hàng cũng đang băn khoăn một số khách hàng đóng bảo hiểm ở công ty mẹ không thuộc địa phương đang làm việc, sinh sống có thuộc đối tượng tham gia chương trình? Và một vướng mắc khó khăn nữa là vấn đề tải sảm bảo đảm là chính căn nhà mua. Hiện nay, cả 5 ngân hàng đều cho phép người vay được thế chấp bằng chính căn nhà mua. Tuy nhiên, văn phòng công chứng không đồng ý công chứng tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay.
Đối với nhà ở xã hội, khi xử lý tài sản thì chỉ được bán lại cho chủ đầu tư hoặc người đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. Vì vậy cần có sự xác nhận của chủ đầu tư về việc cùng phối hợp ngân hàng để xử lý tài sản, thu hồi nợ cho ngân hàng trong trường hợp khách hàng vay không trả được nợ. Tuy nhiên, các chủ đầu tư chưa sẵn sàng phối hợp với ngân hàng trong vấn đề này.
Theo Thời báo Ngân hàng