Volvo cho biết nhà máy mới sẽ có công suất 50 gigawatt giờ (GWh) và tạo ra các cell pin để sử dụng cho xe điện của Volvo và Polestar. Nhà máy cung cấp 3.000 việc làm và bắt đầu hoạt động vào năm 2025.
Hai công ty cho biết vào năm ngoái sẽ thành lập liên doanh để phát triển pin, bao gồm thành lập siêu nhà máy (gigafactory) để sản xuất và một trung tâm nghiên cứu, phát triển, tổng vốn đầu tư khoảng 3,3 tỷ USD.
Northvolt và Volvo cho biết cựu giám đốc điều hành Tesla, Adrian Clarke đã được bổ nhiệm làm giám đốc nhà máy này. Giám đốc điều hành Northvolt Peter Carlsson, người trước đây cũng từng làm việc cho Tesla nói: "Ông Adrian Clarke có kinh nghiệm lâu năm từ Tesla cũng như về cách xây dựng các nhà máy kiểu này".
Người đứng đầu bộ phận kỹ thuật và vận hành của Volvo Cars, Javier Varela, cho biết khả năng tiếp cận với năng lượng không hóa thạch, nhân lực và cơ sở hạ tầng là những yếu tố để lựa chọn Gothenburg, quê hương của Volvo làm nơi đặt nhà máy.
Khó khăn nhất đối với nhà máy này là cạnh tranh để tìm kiếm nhân tài là rất khốc liệt, vì hầu hết các kỹ sư về pin đều làm việc tại châu Á. Tesla và các công ty châu Á như LG và Samsung SDI cũng đang thiết lập nhà máy ở châu Âu.
Gigafactory của Northvolt ở thị trấn Skelleftea của Thụy Điển đã lắp ráp pin đầu tiên của mình vào cuối tháng 12, trở thành công ty châu Âu đầu tiên thiết kế và sản xuất pin ở châu Âu.
Carlsson cho biết công ty đang hoạt động theo kế hoạch, mặc dù ông cho biết các vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu, tình trạng thiếu chất bán dẫn và Covid-19 đã khiến nó trở thành một thách thức lớn hơn.
Volvo Cars, do Geely Holding của Trung Quốc sở hữu phần lớn, đặt mục tiêu bán 50% ôtô chạy thuần điện vào giữa năm 2025 và chỉ bán ôtô chạy hoàn toàn bằng điện vào năm 2030.
Northvolt, có cổ đông lớn nhất là Volkswagen, cho đến nay đã nhận được các hợp đồng trị giá hơn 30 tỷ USD từ các khách hàng như BMW, Fluence, Scania, Volkswagen, Volvo Cars và Polestar.
Ánh Dương (theo Reuters)