Bệnh nhân có tiền căn viêm âm đạo, thường xuyên cấp cứu trong tình trạng sốt cao, đau bụng vùng hạ vị. Ba ngày trước khi nhập viện, chị bị đau lại, đau thêm hố chậu phải, cơn đau tăng khi vận động, tự mua thuốc uống không bớt, bác sĩ Trần Văn Hùng, khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long, ngày 12/8 cho biết.
Qua thăm khám và kết quả siêu âm, CTscan bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân tổn thương buồng trứng phải, có nhiều khối áp xe ở vòi trứng phải, tai vòi phải, vùng chậu. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi tháo các ổ mủ.
Trong quá trình phẫu thuật, ê kíp mổ quan sát thấy vòi trứng phải sưng to, kích thước 5x7cm, bên trong chứa dịch mủ cùng với một ổ mủ tạo ở tai vòi phải, vùng chậu, mặt sau tử cung đến túi cùng sau. Các bác sĩ tiến hành cắt sát góc tai vòi bên phải, bóc tách phá vỡ các ổ mủ, hút ra 300 ml dịch mủ màu vàng xanh.
Hiện, sức khỏe bệnh nhân cải thiện tốt.
Theo bác sĩ Hùng, áp xe vòi trứng là tình trạng vòi trứng bị viêm nhiễm hình thành một túi chứa đầy dịch. Mủ từ khối áp xe này có thể rỉ qua loa tai vòi, đổ vào vùng chậu hình thành các ổ mủ khác trong vùng chậu. Đây là một trong những biến chứng nặng nề nhất của viêm nhiễm cơ quan sinh dục, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Tuy nhiên, bệnh lý này có thể phòng ngừa bằng lối sống tình dục lành mạnh, giữ vệ sinh sinh dục đúng cách. Bác sĩ khuyên phụ nữ khám sức khỏe phụ khoa định kỳ. Khi có các dấu hiệu viêm nhiễm phụ khoa nên đến viện khám, điều trị kịp thời, chủ động ngăn chặn bệnh diễn tiến nặng dẫn đến biến chứng áp xe phần phụ.
Thư Anh