Mình hay xem mục Tiêu dùng của VnExpress. Mình thấy có điểm chung như thế này: Những bài chia sẻ "lương 20, 30 triệu vẫn không đủ" thì những người lương thấp hơn sẽ cho rằng tác giả hoang phí. Những bài viết "lương 5, 10 triệu vẫn để dư được" thì những người lương cao cho rằng như vậy không phải là sống. Sở dĩ có những người bình luận như vậy vì họ không sống trong hoàn cảnh của tác giả nên mới nghi ngờ. Nhân đây, mình xin nói về chuyện chi tiêu và tiết kiệm của mình, với mình lương bao nhiêu cũng sống được.
Mình học ngành lập trình. Đầu năm 2011, khi đã sang học kỳ hai của năm thứ 4 đại học, mình bắt đầu chập chững những bước đi vào nghề lập trình viên. Do chưa có kinh nghiệm nên mức lương mình nhận được là 2,5 triệu/tháng. Sau 3 tháng thử việc, lương lên 3 triệu. Với mức lương này, hàng tháng mình để dành được một triệu. Chi tiêu của mình như sau:
- Đi lại (từ nhà trọ ở quận 10 đến chỗ làm là ngã tư Thủ Đức khoảng 20km): 84 nghìn (mình đi xe bus với mức giá ưu đãi dành cho sinh viên).
- Ăn uống: 800 nghìn - 1 triệu: ăn sáng bữa có bữa không, ăn trưa mỗi bữa 18-20 nghìn, ăn tối do nhà trọ nấu, khoảng 10-15 nghìn một phần. Thỉnh thoảng ăn mì tôm.
- Nhà ở: 750 nghìn (bao gồm tất cả tiền phòng trọ, điện, nước, internet).
- Các khoản lặt vặt: 200 - 300 nghìn.
Do còn là sinh viên nên mình gần như không có những chi phí hiếu hỷ. Mỗi tháng, mình tiêu hết khoảng 2 triệu, vì vậy vẫn tiết kiệm được tiền.
Sáu tháng sau, mình được tăng lương lên 4 triệu, cuộc sống thoải mái hơn:
- Đi lại: vẫn đi xe bus thường xuyên
- Ăn uống: tăng tiền ăn sáng, giảm ăn mì tôm, vì thế chi phí cho ăn uống tăng lên 1 triệu -1,5 triệu.
- Nhà ở: Vẫn vậy
- Các khoản lặt vặt: tăng lên 300-500 nghìn.
Lúc này, mỗi tháng mình tiết kiệm được khoảng 800 nghìn đến 1,5 triệu. Tổng kết cuối năm, mình để dành được gần 15 triệu.
Cuối năm 2012, mình chuyển việc, sang công ty lớn hơn sau khi đã có chút kinh nghiệm. Lương 3 tháng thử việc là 5 triệu/tháng, sau đó lương chính thức là 6 triệu. Với mức lương này, hằng tháng mình để dành được 2 triệu. Lúc này, công ty gần nhà trọ, mình không đi xe bus nữa mà chuyển sang xe máy, vậy là chi phí đi lại thành 300 nghìn mỗi tháng (bao gồm tiền xăng, phí gửi xe, bảo trì).
Chi phí ăn uống cũng tăng khoảng 2 - 2,5 triệu mỗi tháng, do mình ăn uống thoải mái hơn, lạm phát nên giá thực phẩm tăng. Ngoài ra cuối tuần, mình đi nhậu (2 tuần nhậu một lần), mỗi lần mất 100-200 nghìn.
Giá nhà trọ cũng tăng lên 1 triệu.
Các khoản lặt vặt (sinh nhật, đám cưới, chở gấu đi chơi): 500 nghìn - 1 triệu.
Mỗi tháng, chi tiêu của mình dao động từ 4 - 4,5 triệu, nên tiết kiệm được khoảng 1,5 -2 triệu. Tổng kết cuối năm, mình để dành được khoảng 25 triệu (do có thêm lương tháng 13).
Cuối năm 2013, mình được tăng lương lên 8 triệu. Thời gian này, mình đi nhiều hơn nên chi phí đi lại tăng lên 300-500 nghìn; ăn uống khoảng 2,5 - 3 triệu (ăn sáng ngon hơn và nhậu cuối tuần thường xuyên hơn); các khoản lặt vặt cũng nhiều hơn, khoảng 1 triệu. Tiền nhà trọ thì vẫn thế. Chi tiêu mỗi tháng dao động 5 - 6 triệu, vì vậy cũng chỉ tiết kiệm được 2 - 3 triệu.
Tổng kết cuối năm, cả tiền tiết kiệm và lương tháng 13, mình có dư 30 triệu.
Cuối năm 2014, mình được tăng lương lên 11 triệu. Lương tăng 3 triệu nhưng tiền dành cho tiết kiệm chỉ tăng thêm một triệu do mình bắt đầu phát sinh thêm nhiều khoản chi tiêu khác. Chi phí đi lại, ăn uống, nhà trọ vẫn thế, nhưng mình tốn thêm khoản cà phê: 100 - 200 nghìn mỗi tháng, du lịch một vài tháng đi một lần, chia trung bình khoảng 500 nghìn/tháng, phát sinh thêm khoản sở thích: xem phim tuần một lần: 300 - 400 nghìn/tháng, bơi lội hàng tuần 100 nghìn/tháng. Các khoản lặt văt cũng tăng lên gấp rưỡi. Chi tiêu mỗi tháng khoảng 7-8 triệu đồng, tiết kiệm được 3-4 triệu đồng.
Tổng kết cuối năm, mình để dành được khoảng 80 triệu (do hưởng thêm lương tháng 13 và thưởng nhân viên xuất sắc). Sau đó, mình mua xe đạp, máy chụp hình cho bản thân, mua ti vi cho bố mẹ và quà Tết về quê nên cũng chỉ dư được 50 triệu.
Đầu năm 2015, mình có 120 triệu sau hơn ba năm tiết kiệm. Sẵn máu kinh doanh, mình quyết định dấn thân vào thương trường. Do chưa có kinh nghiệm nên sau 3 tháng, mình đã đóng cửa. Chi phí cho bài học kinh nghiệm kinh doanh đầu đời là mất đến 80 triệu.
Tính đến tháng 7/2015, mình còn 40 triệu trong tài khoản tiết kiệm. Lúc này, mình được tăng lương lên 14 triệu mỗi tháng nhưng mình vẫn duy trì cuộc sống như trước, giữ chi tiêu ở mức 7- 8 triệu/tháng. Vì thế, mình tiết kiệm được nhiều hơn để nung nấu kế hoạch kinh doanh khác.
Tháng trước, tự nhiên mình đổi hướng sang mối quan tâm nhà đất, vậy là quyết định tìm mua đất ở ngoại thành khi trong tay chỉ có 50 triệu. Mình đã tìm được một miếng đất của một công ty uy tín và cho trả góp 36 tháng: 12 tháng đầu, mỗi tháng sẽ trả khoảng 12,5 triệu. Gia đình đồng ý hỗ trợ 4 triệu nên mình chỉ cần để dành khoảng 8,5 triệu mỗi tháng là ổn. Thế nhưng, vừa ký hợp đồng thì mẹ mình bị bệnh nặng, gia đình không thể hỗ trợ mình, kế hoạch ban đầu tiêu tan. Số tiền trả góp mua đất vẫn phải đóng hàng tháng, vì thế mình chỉ còn 1,5 triệu để chi tiêu. Và đây là kế hoach mình đã và đang thực hiện kể từ đầu tháng 8:
- Đi lại: Đi xe đạp thường xuyên, nên chỉ mất tiền gửi xe. Thỉnh thoảng có việc mình cũng đi xe máy. Tổng cộng chi phí hết 100 nghìn.
- Ăn uống: Không ăn sáng, ăn trưa 25 nghìn/bữa, ăn tối 15-20 nghìn/bữa, tăng bữa ăn mì ăn liền, bỏ nhậu nhẹt, bỏ cà phê. Chi phí dao động 1 triệu.
- Sở thích: Không đi du lịch, không xem phim ở rạp mà xem online tại nhà, không đi bơi, chỉ đạp xe và chạy bộ.
- Chi phí ở trọ, điện nước, internet: Vẫn 1 triệu.
- Các khoản lặt vặt: 200 nghìn. Mình hạn chế đi chơi với “Gấu”, mình cũng nói với bạn gái về tình hình hiện tại được nàng đồng ý.
- Ma chay, đám cưới (tính sau vì tạm thời chưa có).
Tổng cộng mỗi tháng, mình tiêu khoảng 2 - 2,5 triệu, dư 11,5- 12 triệu. Do khi ký hợp đồng mua đất và trả khoản tiền đầu tiên, mình còn dư khoảng 5 triệu nên mỗi tháng mình có thể trích 1 triệu từ đó, cộng với tiền dư hàng tháng để trả góp. Cuối năm, mình sẽ có thêm lương tháng 13 và thưởng nên cuộc sống lúc đó sẽ thoải mái hơn.
Ngoài tiết kiệm chi tiêu, mình bắt đầu kiếm thêm việc làm thêm (dựa trên chuyên môn của mình). 10 giờ làm việc mỗi tháng, mình có thêm 500 nghìn - 1 triệu.
Mình nghĩ, dù kiếm được nhiều hay ít tiền, người ta đều có thể sống được. Quan trong là có mục tiêu nhất định thì bạn sẽ tự điều chỉnh và thích ứng được thôi.
Nam