Voi châu Phi sinh hai con non hiếm gặp ở miền bắc Kenya. Video: AFP
Nhóm bảo tồn Save the Elephants hôm 20/1 cho biết cặp voi con - một đực và một cái - được sinh ra bởi voi mẹ có tên là Bora. Chúng lần đầu tiên được phát hiện bởi những hướng dẫn viên du lịch trong một chuyến lái xe ngắm voi trong khu bảo tồn Samburu.
Đoạn video cho thấy cặp song sinh mới vài ngày tuổi đang làm quen với môi trường thảo nguyên xung quanh, cùng với mẹ và anh/chị ruột của nó - con non đầu tiên của Bora chào đời năm 2017.
Voi châu Phi có thời gian mang thai lâu nhất trong số các loài động vật có vú còn tồn tại (gần 22 tháng) và sinh con khoảng 4 năm một lần.
"Các trường hợp sinh đôi hiếm khi được bắt gặp trong quần thể voi và chỉ chiếm khoảng một phần trăm số ca sinh", Iain Douglas-Hamilton, nhà sáng lập tổ chức Save the Elephants, cho biết trong một tuyên bố.
Bên cạnh đó, các cặp song sinh trong tự nhiên thường có tỷ lệ tử vong cao hơn do voi mẹ không đủ sữa để nuôi hai con non cùng lúc. "Vài ngày tới sẽ là thời điểm khó khăn với các con non của Bora", Douglas-Hamilton nói thêm.
Trước đó, cặp sinh đôi cuối cùng được ghi nhận ở Samburu vào năm 2006 đã không thể sống sót sau vài ngày.
Ước tính có khoảng 36.280 con voi hiện sinh sống ở Kenya, theo cuộc tổng điều tra động vật hoang dã quốc gia đầu tiên của nước này được tiến hành vào năm ngoái. Con số đó thể hiện sự gia tăng 12% về số lượng so với năm 2014, một phần là nhờ nỗ lực của các nhà bảo tồn trong việc chống săn trộm voi lấy ngà.
Mặc dù vậy, trên quy mô toàn châu Phi, voi đồng cỏ đã giảm ít nhất 60% trong nửa thế kỷ qua, khiến chúng bị phân loại là "có nguy cơ tuyệt chủng" trong bản cập nhật Sách Đỏ mới nhất của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.
Đoàn Dương (Theo AFP)