Sáng 11/4, ông Lê Minh Hưng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam, cho biết trong tháng 3, các chuyên gia dự án Trường Sơn xanh điều tra đa dạng sinh học, ghi nhận đàn 8 con voi. Trong đó có một con đực trưởng thành, một con đực bán trưởng thành, ba con cái trưởng thành, hai con cái bán trưởng thành và một voi con khoảng một tuổi (chưa xác định được giới tính).
Ông Hưng đánh giá voi mẹ sinh sản là "rất quý hiếm, chứng tỏ khi thành lập khu bảo tồn thì sinh cảnh được tốt hơn nên voi phát triển". Tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư để bảo tồn sinh cảnh cho voi và bảo vệ nghiêm ngặt, ngăn con người tác động đến chúng.
Năm 2015, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn Quảng Nam nằm trong vùng dự án "khẩn cấp bảo tồn voi Việt Nam". Đoàn chuyên gia được cử đến phối hợp với kiểm lâm địa phương khảo sát voi trên địa bàn, ghi nhận ở Quế Lâm, huyện Nông Sơn có từ 6 đến 7 con.
Tháng 2/2017, đàn voi xuất hiện ở bìa rừng xã Quế Lâm phá một số ống dẫn nước của dân địa phương. Tháng 6/2017, UBND tỉnh Quảng Nam thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi với tổng diện tích gần 19.000 ha trên địa phận hai xã Quế Lâm và Phước Ninh, huyện Nông Sơn. Tháng 7/2017, Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ hỗ trợ 24 triệu USD bảo tồn đàn voi.
Voi châu Á được xếp vào loại EN - nguy cấp trong Sách Đỏ thế giới, loại CR - cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam, thuộc nhóm IB - loài nguy cấp quý hiếm cần có chế độ bảo vệ nghiêm ngặt theo Nghị định 32.