Ratchadawan Puengprasoppon bị đánh thức vào sáng sớm hôm 19/6 bởi những tiếng đập loảng xoảng. Khi tìm hiểu nguyên nhân, cô trông thấy đầu của một con voi thò qua bức tường phòng bếp bên cạnh giá treo đồ. Con voi đực tên Boonchuay dường như đang tìm đồ ăn. Chiếc vòi của nó khua khoắng khắp chạn bếp, khiến xoong chảo và dụng cụ nấu nướng rơi xuống sàn nhà. Sau đó, nó nhai một chiếc túi nylon trong lúc Ratchadawan ghi lại cảnh tượng bằng điện thoại di động.
Đây không phải là lần đầu tiên Boonchuay, con voi sống trong vườn quốc gia Kaeng Krachan, ghé vào làng Chalermkiatpattana. "Chúng tới rất thường xuyên. Chúng luôn tới khi họp chợ bởi chúng ngửi thấy mùi thức ăn", Itthipon Thaimonkol, quản lý vườn quốc gia, cho biết. Con voi từng mò vào bếp nhà Ratchadawan trước đây, gây thiệt hại gần 1.600 USD.
Cơ quan vườn quốc gia và bảo tồn động thực vật (DNP) chia sẻ chính quyền địa phương sẽ sửa chữa ngôi nhà nhanh hết mức có thể. Họ cũng đang thảo luận phương án đền bù thiệt hại. "Voi là động vật ăn cỏ, vì vậy chúng cần khoáng chất từ thức ăn mặn đóng vai trò cần thiết cho cơ thể. Chúng cố gắng tìm bất kỳ khoáng chất nào và chúng tôi đã phổ biến cho người dân trong vùng", DNP cho biết.
Ngôi nhà của Ratchadawan cũng có thể trở thành mục tiêu do nằm cạnh lối vào vườn quốc gia, nơi con voi sinh sống, theo Prateep Puywongtarn, thành viên của Tổ chức quản lý phường Huay Sat Yai ở Hua Hin. Các tai nạn tương tự thường xảy ra trong vùng do nằm gần vườn quốc gia và môi trường sống của loài voi. Những vụ việc liên quan tới đàn voi gia tăng vào mùa thu hoạch trái cây trong thời gian gần đây.
Xung đột giữa người và voi có chiều hướng tăng lên trong vài thập kỷ qua, không chỉ ở Thái Lan mà cả Ấn Độ và khắp châu Á. Khi con người mở rộng khu vực định cư và cơ sở hạ tầng, môi trường sống của động vật hoang dã ngày càng thu hẹp và phân tán, khiến chúng rơi vào tình trạng ít đất đai và nguồn tài nguyên hơn, buộc chúng phải lang thang kiếm ăn.
Theo tiến sĩ Joshua Plotnik, phó giáo sư tâm lý học ở Đại học Hunter, chuyên gia nghiên cứu quần thể voi ở khu bảo tồn động vật hoang dã Salakpra tại Kanchanaburi, phía tây Thái Lan, việc voi từ vườn quốc gia cướp phá những cánh đồng trồng mía hoặc ngô ở lân cận khá phổ biến.
"Trong các ngôi làng mà tôi làm việc ở Thái Lan, voi mò vào cánh đồng của nông dân gần như hàng đêm. Đây là vấn đề thực sự khó khăn đối với cả người nông dân và loài voi. Những vụ việc như vậy nhiều khả năng xảy ra do nguồn tài nguyên sẵn có giảm đi và sự can thiệp của con người vào môi trường sống của loài voi tăng lên. Biện pháp như dựng rào chắn hoặc di chuyển đàn voi chỉ có tác dụng ngắn hạn", Plotnik nói.
An Khang (Theo Guardian/CNN)