Vụ việc xảy ra vào hôm 28/1 đã khiến hai người thiệt mạng, Viện Bảo tồn Thiên nhiên Congo cho biết trong một tuyên bố vào hôm qua. Họ đều là người lớn tuổi và không thể chạy thoát khỏi cơn thịnh nộ của những con vật to lớn.
Các nhà chức trách xác nhận hai con voi đến từ Công viên Quốc gia Virunga (PNVi). Chúng đã đi lạc khỏi khu bảo tồn và lang thang xung quanh những cánh đồng tại khu vực Rutshuru để kiếm ăn.
"Chúng tôi hy vọng sẽ tìm ra giải pháp lâu dài như bằng cách lắp đặt thêm hàng rào điện để các loài động vật hoang dã nguy hiểm không thể rời khỏi công viên được nữa", Giám đốc truyền thông PNVi Olivier Mukisya trấn an người dân. Công viên đang lên kế hoạch mở rộng một hàng rào điện hiện có thêm 156 km để ngăn cách khu vực sinh sống của động vật với vùng canh tác của người dân địa phương.
Công viên Quốc gia Virunga thành lập vào năm 1927 là một trong những khu bảo tồn tự nhiên đầu tiên ở châu Phi, được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1979. Với diện tích lên tới 7.800 km2, đây là nơi sinh sống của hơn 2.077 loài thực vật, 700 loài chim, cùng 400 loài động vật có vú, bò sát và lưỡng cư, trong đó có những loài cực kỳ nguy cấp như khỉ đột núi.
Quần thể voi sinh sống ở Virunga thuộc loài voi đồng cỏ châu Phi. Chúng là động vật lớn nhất còn tồn tại trên cạn khi có thể phát triển tới chiều cao 4 m và nặng đến 7,5 tấn. Với kích thước đồ sộ như vậy, chúng được xem là tiềm ẩn nguy hiểm đối với con người. Môi trường sống tự nhiên bị thu hẹp đã thôi thúc các đàn voi mò tới các khu dân cư để kiếm ăn, làm gia tăng các cuộc đụng độ với con người.
Đoàn Dương (Theo AFP)