Vạt cỏ này vốn là một cái hố sâu, quá trình mưa lũ, đất, rác bồi tụ lấp gần cạn, cỏ mọc um tùm. Vì voi quá nặng (khoảng 3,5 tấn), nên khi sa xuống hố bị lún sâu không lên nổi. Nó đã phải nằm trong hố gần một ngày đêm. Cán bộ của vườn tình cờ phát hiện được, báo cho chuyên gia từ Bình Thuận lên, dùng tròng, cuốc hạ thấp miệng hố và dùng dây kéo, đòn bẩy hỗ trợ, con voi mới lên được. Chân voi bị tê cứng, không di chuyển được. Cán bộ vườn phải mang vào một vác mía. Nó đứng tại chỗ ăn, sau mấy chục phút mới đi được.
Đây là sự cố đáng chú ý nhất kể từ khi các chú voi dữ được đưa lên Yok Đôn.
Vườn Yok Đôn chưa thể biết được voi dữ đi đâu
Ông Dũng đã cho biết như vậy. Do yêu cầu của chuyên gia, sau khi thả voi vào rừng 1-2 tuần đầu không nên cho người và voi nhà vào khu vực đó để tạo sự yên tĩnh cho voi dữ, từ đó chúng sẽ "bình tâm" và hiền lành trở lại. Vì thế ý định dùng voi nhà vào tuần tra theo dõi ngay sau khi thả con voi thứ nhất cũng không thực hiện.
Hơn nữa, theo kế hoạch ban đầu, các con voi sẽ được gắn dụng cụ định vị để theo dõi trên màn hình máy vi tính đặt tại vườn, dự kiến sẽ mua 10 máy định vị của Mỹ. Nhưng sau đó Ban chỉ đạo dự án phải chuyển sang mua máy của New Zealand, nhưng cũng chỉ mua được 4 cái, nên phải "ưu tiên" gắn cho những con voi cái đã trưởng thành có khả năng hấp dẫn những con khác đi theo. Đến nay chỉ con có dấu chân hạt xoài được gắn dụng cụ này, nhưng vườn chưa được trang bị phương tiện theo dõi và cũng chưa được chuyên gia tập huấn, hướng dẫn.
Mặt khác, cũng theo ông Dũng, để thu được sóng từ các dụng cụ định vị phải thông qua vệ tinh thu phát sóng, vì thế phải thuê một kênh vệ tinh riêng, nhưng các thủ tục để thuê kênh vệ tinh vẫn chưa được thực hiện. Đó cũng là lý do khiến cho Vườn quốc gia Yok Đôn lo lắng cho an toàn của voi và dân sống ở vùng đệm.
Trong số voi đã thả vào vườn có 2 con có ngà, đó là mục tiêu hấp dẫn của bọn săn trộm. Không tuần tra theo dõi, bảo vệ kịp thời sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng những con voi này. Bên cạnh đó, rất có thể voi ra vùng đệm gặp dân và có những xung đột mới. Vì thế vườn đã phải ra thông báo nghiêm cấm dân vào rừng và đề nghị lãnh đạo ba huyện Đăk Min, Cư Jút, Buôn Đôn nhắc nhở dân, chính quyền các xã chủ động đề phòng các tình huống xấu có thể xảy ra... Nhưng cho đến nay Vườn quốc gia Yok Đôn vẫn chưa được dự án cấp cho một khoản kinh phí nào.
Xin voi con thuần dưỡng
Theo kinh nghiệm của dân Bản Đôn, những voi con không quá 10 tuổi thuần dưỡng rất tốt. Vì thế vườn đang làm văn bản xin Bộ NN&PTNT cho nhận thuần dưỡng những chú voi non khi đưa lên Yok Đôn, để cùng với 3 con voi nhà thành lập một đội voi của vườn, phục vụ tuần tra bảo vệ và du lịch sinh thái.
(Theo Lao Động)