- Vi sao anh quyết định mời Lý Nhã Kỳ làm đại diện thương hiệu thời trang cho mình?
- Tôi đã lên kế hoạch từ trước là trong năm mới phải tìm một nghệ sĩ làm đại diện thương hiệu thời trang. Tôi liệt kê ra rất nhiều tên tuổi, trong số đó có những người đẹp như: Đặng Thu Thảo, Thùy Dung, Mai Phương Thúy... và cũng suy nghĩ, cân nhắc rất nhiều trước khi chọn Lý Nhã Kỳ. Tôi gửi danh sách liệt kê ấy nhờ bạn bè tư vấn hộ thì phần đông đều chọn ngay Lý Nhã Kỳ. Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc cũng khuyên tôi như thế. Tôi và mọi người đều tin cô ấy có thể làm tốt công việc này.
- Điều gì khiến anh đặt niềm tin vào người đẹp này?
- Trước khi thực sự trở thành đại sứ hình ảnh thời trang cho tôi, suốt một năm qua Lý Nhã Kỳ đã làm được rất nhiều việc cho tôi. Tại những sự kiện quan trọng, cô ấy thường xuyên mặc trang phục áo dài tôi thiết kế và tạo được những hiệu ứng tốt đẹp... Tôi có nhiều đơn đặt hàng hơn từ các mối quan hệ rất rộng của Kỳ. Với một người có nhiều mối quan hệ như Kỳ thì chắc chắn công việc hợp tác giữa tôi và cô ấy sẽ có nhiều hướng phát triển...
- Cảm nhận của anh về Lý Nhã Kỳ sau thời gian làm việc chung?
- Trước đây, tôi rất ghét Lý Nhã Kỳ, nhất là khi đọc báo thấy hình ảnh cô ấy đi liền với váy áo, trang sức tiền tỷ, rồi suốt ngày nước này, nước nọ, còn có mẹ nuôi, anh nuôi toàn là tỷ phú, đại gia... Cũng như nhiều người, tôi cảm nhận điều đó giống như tính khoe khoang.
Nhưng thực sự, sau quá trình làm việc chung, tôi càng hiểu rõ Lý Nhã Kỳ không phải như mình nghĩ trước đó. Cô ấy có tác phong làm việc rất chuyên nghiệp, đàng hoàng. Nhã Kỳ là một doanh nhân nên bề ngoài phải trau chuốt, gây ấn tượng chứ thực ra, ngoài đời lại dễ gần, giản dị.
Hơn nữa, việc tôi hợp tác với Lý Nhã Kỳ là có hợp đồng đàng hoàng chứ không phải mời miệng, cũng không phải dựa trên tình cảm cá nhân. Luật sư của tôi và của Kỳ cũng phải đàm phán và thương thảo cẩn thận trước khi ký hợp đồng hợp tác trong hai năm. Tôi cũng đã bỏ ra số tiền hơn 4 tỷ đồng để mời cô ấy. Tôi cho rằng, để làm việc với Lý Nhã Kỳ thì số tiền này không phải là quá lớn....
- Lần kỷ niệm 10 năm vào nghề, anh tổ chức sô "Mơ về châu Á" tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng với quy mô lớn. Vì sao lần kỷ niệm 20 năm, anh thực hiện chương trình với quy mô nhỏ hơn?
- Một sô hoành tráng để ghi dấu ấn của mình thì ai cũng thích. Nhưng tôi đã làm rồi, đến thời điểm này, tôi lại muốn làm một chương trình gần gũi giữa khán giả và nhà thiết kế hơn. Ở sô The Times sắp tới, tôi muốn mình có một không gian ấm cúng để tri ân khán giả, gặp gỡ bạn bè, đối tác dịp cuối năm.
Ngoài ra, ý nghĩa lớn nhất của The Times là quyên tiền từ thiện, giúp người nghèo ăn Tết. Ở tuổi của mình hiện tại, tôi thấy bỏ ra một số tiền đi làm từ thiện thì có ý nghĩa hơn là đánh bóng tên tuổi.
- 10 năm qua, nhắc đến Võ Việt Chung người ta vẫn chỉ nhắc nhiều đến những đóng góp của anh trong việc khôi phục chất liệu lãnh Mỹ A. Anh cảm thấy sao nếu bị nhận xét là đang cũ đi?
- Nhiều năm qua, lãnh Mỹ A đã được xuất khẩu ra khá nhiều nước châu Âu và cũng có chỗ đứng trong làng thời trang trong nước. Nếu nói riêng về chất liệu truyền thống này, tôi thấy mình vẫn làm chưa đủ để quảng bá nó. Tôi còn ấp ủ kế hoạch dùng chất liệu này trong cả trang trí, thiết kế nội thất nữa.
Thỉnh thoảng, trong giấc mơ, tôi vẫn thấy lại hình ảnh bà, mẹ mình ngày trước mặc áo, quần may bằng lãnh Mỹ A. Thỉnh thoảng khi dọn dẹp nhà, từ một góc đồ cũ nào đó, tôi lại lục lọi được những mảnh vải truyền thống được gói ghém cất giữ cẩn thận mà không hề cũ sờn theo năm tháng. Tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi các chất liệu vải truyền thống của dân tộc và tôi sẽ luôn tìm cách để làm mới chúng qua thiết kế của mình.
- So với một vài sô thời trang gần đây, đêm "The Times" của anh được thông tin khá sát thời điểm diễn, tạo nên suy nghĩ anh tổ chức chương trình kỷ niệm của mình khá vội vàng. Anh nói sao?
- 3 bộ sưu tập mà tôi trình bày trong đêm này đều theo dòng haute couture và được tôi chuẩn bị hơn một năm nay chứ không phải là một sớm một chiều. Ban đầu, tôi định làm sô 20 năm vào đúng ngày sinh nhật là ngày 1/12. Nhưng sau đó tôi chọn thời điểm cận Tết hơn vì tôi thích không khí mùa Xuân, cùng với việc chương trình của tôi gắn liền với ý nghĩa từ thiện. Đạo diễn Henry Hubert là người khó tính và anh ấy cùng êkíp cũng phải chuẩn bị cẩn thận nhiều khâu cho sô này chứ không hề vội vàng.
Tôi vừa nhận được tin vui là trong đêm 26/1, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP HCM sẽ tặng bằng khen cho tôi vì những đóng góp trong 20 năm qua để quảng bá một nét văn hóa Việt ra thế giới. Ngoài ra, hai đài truyền hình là NHK World của Nhật Bản và đài Chic Channel của Thái Lan cũng sang TP HCM dịp này để ghi hình sô diễn của tôi và phát sóng sau đó trên 150 quốc gia.
- Những kế hoạch anh ấp ủ trong năm mới là gì?
- Tôi và nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc đang cùng viết một kịch bản phim điện ảnh lấy cảm hứng từ lãnh Mỹ A. Tên kịch bản này được đặt là Cô Ba xứ Việt. Tôi rất hy vọng dự án này sẽ suôn sẻ để lần đầu tiên hình ảnh về làng nghề truyền thống được hư cấu trong một cốt truyện và đưa lên màn ảnh rộng.
Năm 2013 tôi sẽ ra mắt cuốn sách ảnh về hành trình của những nhân vật đã góp phần làm nên các giá trị văn hóa, văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Ở tập sách ảnh này, lần đầu tiên tôi công bố việc khôi phục một chất liệu vải truyền thống của người Việt mà thời gian qua tôi tìm tòi. Dự kiến cuốn sách ảnh này ra mắt vào ngày 20/10. Ngoài ra, trong năm nay, tôi đang xin phép Cục Nghệ thuật biểu diễn để tổ chức một cuộc thi hoa hậu tầm quốc tế.
- Nhiều người ghi nhận và vinh danh những gì mà anh đã làm được nhưng cũng có người cho rằng Võ Việt Chung "nói giỏi hơn làm". Cảm giác của anh ra sao khi nghe những nhận xét như thế?
- Quan trọng vẫn là thực chất và sự chứng tỏ qua công việc. Tôi đang tập xa rời sự đình đám và tiết chế những bốc đồng của bản thân để làm được những việc thiết thực hơn. Tôi đã qua rồi thời bốc đồng. Hiện tại, tôi tự tin về tên tuổi, chỗ đứng, và kể cả vật chất để làm điều mình thích... Tinh thần tôi cũng vững vàng hơn xưa trước những lời khen chê.
* Ảnh: Bộ sưu tập Heritage của Võ Việt Chung |
Thoại Hà thực hiện