Bác sĩ Phạm Định Chương, Đơn vị Đột quỵ, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, ngày 27/3 cho biết chụp CT sọ não thấy bệnh nhân bị xuất huyết khoang dưới nhện (khoảng trống giữa não và lớp màng mỏng nhất bảo phủ xung quanh não bộ).
Tiếp tục chụp cắt lớp mạch máu, bác sĩ phát hiện bệnh nhân có túi phình động mạch máu não đã vỡ, kích thước khoảng 3mm. "Đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng xuất huyết dưới nhện", bác sĩ Chương nhận định. Các bác sĩ tiến hành can thiệp nội mạch nút túi phình bằng các vòng xoắn kim loại, thông qua hệ thống chụp mạch số hoá xóa nền DSA.
"Những vòng xoắn này sẽ lấp đầy túi phình, ngăn không cho dòng máu chảy vào túi phình, từ đó loại bỏ hoàn toàn nó và ngăn ngừa nguy cơ tái vỡ", bác sĩ Chương phân tích. Đây là phương pháp xâm lấn tối thiểu, gây tắc túi phình ngay sau can thiệp. Người bệnh có thể hồi phục và xuất viện sớm sau 2-3 ngày can thiệp thành công.
Bệnh nhân cho biết trước giờ rất khỏe mạnh, chơi thể thao, vận động thường xuyên. Theo bác sĩ Chương, nguyên nhân gây phình động mạch não ở bệnh nhân này có thể do tình trạng nghiện thuốc lá lâu năm, với tiền sử gần 30 năm hút thuốc lá. Người này không có các yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, cũng như không có yếu tố gia đình có tiền sử túi phình mạch máu não.
Theo bác sĩ Chương, dưới tác dụng của áp lực lên thành mạch máu, túi phình mạch máu não có thể gia tăng kích thước theo thời gian, gây chèn ép các tổ chức quan trọng xung quanh. Biến chứng nguy hiểm nhất là túi phình có thể vỡ và gây ra xuất huyết dưới nhện, với tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tỷ lệ tử vong có thể lên đến trên 80% nếu túi phình tái vỡ lần hai.
Phình mạch máu não có thể diễn tiến âm thầm không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ mơ hồ. Đôi lúc chỉ biểu hiện đau đầu nên người bệnh dễ bỏ qua. Khi túi phình vỡ gây xuất huyết dưới nhện, người bệnh có cơn đau đầu đột ngột dữ dội, nôn mửa, yếu liệt nửa người, nặng hơn có thể rối loạn ý thức, hôn mê và tử vong.
Đột quỵ ngày càng có xu hướng trẻ hóa, tình trạng xuất huyết não có thể xảy ra với cả người trẻ khỏe mạnh, có ít hoặc thậm chí không có các yếu tố nguy cơ. Bác sĩ khuyến cáo mọi người không nên chủ quan khi có các triệu chứng như đau đầu đột ngột, nôn ói thì nên nhập viện sớm để được điều trị kịp thời.
Nên khám sức khỏe định kỳ để được sàng lọc phát hiện sớm các túi phình mạch máu não, dị dạng mạch máu não, cũng như xơ vữa hẹp tắc động mạch não. Đặc biệt, cần phát hiện, điều trị các bệnh lý được xem là yếu tố nguy cơ tạo nên túi phình như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, rối loạn lipid máu, tiền sử hay đau đầu, tiền sử gia đình có người đột quỵ, nghiện hút thuốc lá lâu năm...
Hiện có hai phương pháp chính điều trị túi phình mạch máu não, gồm can thiệp nội mạch và phẫu thuật.
Phương pháp can thiệp nội mạch với các kỹ thuật can thiệp như nút túi phình bằng vòng xoắn kim loại (đặt coils), sử dụng kết hợp bóng và coils, hoặc stent - coils, stent đổi hướng dòng chảy... Những kỹ thuật này ít xâm lấn, bệnh nhân có thể hồi phục và xuất viện trong thời gian sớm nhất.
Với phương pháp phẫu thuật, bệnh nhân được gây mê, mở sọ và bộc lộ túi phình, sau đó được kẹp loại bỏ bằng clip. Phương pháp này được áp dụng với các túi phình nằm ở vị trí nông dễ tiếp cận, và các túi phình cổ rộng khó khăn cho việc can thiệp nội mạch.