Ngày 9/8, TS.BS Tạ Thị Thanh Thủy, Giám đốc Y khoa kiêm Trưởng Khoa Phụ Sản, Bệnh viện Quốc tế City, cho biết thai phụ 33 tuổi có tiền sử mổ sinh ở nước ngoài. Bệnh nhân vào viện liên tục kêu đau bụng, đặc biệt đau ở hông bên trái, không cho bác sĩ đụng vào.
Ê kíp đánh giá tình trạng nghiêm trọng, chỉ định mổ lấy thai, dù thai nhi mới 35 tuần tuổi, bởi vấn đề cứu mẹ được đặt ra hàng đầu. Phẫu thuật viên mở ổ bụng, ghi nhận khoảng 500 ml máu, vết mổ sinh cũ vẫn còn nguyên vẹn. Các bác sĩ đưa bé ra khỏi bụng mẹ, gửi cho khoa nhi chăm sóc.
Kíp mổ thám sát tử cung, phát hiện có một chỗ vỡ ở phần đáy tử cung, đường kính khoảng 2 cm, các quai ruột dính chặt vào vị trí tổn thương. Bác sĩ sản khoa kết hợp phẫu thuật viên khoa ngoại tách rời các quai ruột dính ra khỏi chỗ vỡ, phục hồi vùng tử cung và các quai ruột bị tổn thương.
"Đây là một trường hợp cấp cứu sản khoa rất nặng, hiếm có", bác sĩ Thủy nói. Nguyên nhân vỡ tử cung là do ở lần sinh trước, sản phụ đã bị vỡ tử cung và từng được bác sĩ vá chỗ vỡ. Tuy nhiên, bệnh nhân không biết nên đã không thông báo cho bác sĩ sản khoa. Lần này, nhờ bác sĩ có kinh nghiệm, nhạy bén nhìn nhận nên kịp thời xử trí cứu sống cả mẹ lẫn con.
"Tôi không nắm rõ lần sinh trước được mổ thế nào. Tôi nghe bác sĩ giải thích là có thực hiện may vết thương nhưng tôi cũng không quan tâm kỹ đến vấn đề này", sản phụ chia sẻ. Sau mổ, bệnh nhân hồi phục tốt, được truyền máu bù lại 1.000 ml máu đã mất trong lúc phẫu thuật. Em bé sau ba ngày chăm sóc đặc biệt được trở về trong vòng tay mẹ.
Vỡ tử cung là tai biến sản khoa nguy hiểm, dễ dẫn đến tử vong cả mẹ lẫn con nếu không xử trí kịp thời. Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ mang thai cần nhớ lại tất cả những bệnh lý liên quan, đặc biệt là tiền sử mổ sinh hay phẫu thuật trước đây và thông báo cho bác sĩ sản khoa biết. Điều này giúp việc theo dõi thai kỳ an toàn, thuận lợi hơn và bác sĩ có những biện pháp dự trù, chuẩn bị sẵn phương án cho những tình huống bất ngờ xảy ra.
Lê Phương