Vợ Trọng Tấn tên đầy đủ là Đặng Thị Thanh Hoa sinh năm 1978. Chị tốt nghiệp khoa Quản trị kinh doanh Đại học Công đoàn và khoa Tiếng Anh ở Đại học Ngoại ngữ. Hai người yêu nhau từ lớp 11 tại trường Lam Sơn, Thanh Hóa và cùng lên Hà Nội lập nghiệp rồi cưới nhau. Sau khi kết hôn, Thanh Hoa tập trung chăm sóc hai con, quản lý việc kinh doanh và giúp chồng phấn đấu trên con đường âm nhạc, học vấn.
Ngày 26/10, Trọng Tấn thực hiện liveshow Bài ca không quên. Đây là đêm nhạc đầu tiên do công ty của vợ anh tổ chức.
Vợ chồng Trọng Tấn trong buổi công bố liveshow "Bài ca không quên". Ảnh: HBN. |
- Hơn 10 năm chung sống, chị thu xếp thế nào để có thể lo đủ thứ việc, từ bếp núc, con cái, quản lý nhà hàng... và còn tổ chức show cho ông xã?
- Dù nhiều việc cùng lúc, tôi vẫn cân đối được thời gian cho từng nhiệm vụ. Tôi nghĩ nhiều người sinh ra vốn không thích đứng một chỗ, khi đã đạt tới một dấu mốc nào đó lại muốn vươn tới những điều xa hơn.
Với tôi, sự nghiệp ca hát của chồng rất quan trọng. Tôi luôn mong anh được thỏa mãn niềm đam mê. Vì thế bất chấp bận rộn, tôi vẫn muốn tự sắp lịch diễn cho chồng, hay đứng ra tổ chức liveshow Bài ca không quên. Tôi muốn khán giả thấy được một hình ảnh hoàn chỉnh về con đường âm nhạc của ca sĩ Trọng Tấn.
- Chồng chị phản ứng ra sao trước một người vợ là sếp trong công việc?
- Chính anh Tấn là người gợi ý chuyện này. Nhiều lúc làm việc, chồng tôi cũng xưng hô đùa kiểu: "Vâng, thưa sếp". Nhưng tôi chưa bao giờ coi mình là sếp của chồng và cũng không muốn anh nghĩ về vợ như vậy. Suốt 20 năm yêu đương, trong đó có 10 năm làm vợ chồng, tôi coi vị trí "đứng sau", "đứng ngang" hay "đứng trên" anh chỉ mang tính hình thức. Điều quan trọng là chúng tôi hiểu được người kia muốn làm gì cho bạn đời của mình.
- Nhiều phụ nữ tận dụng vị trí công việc cao hơn chồng để dễ bề quản lý, chị thì sao?
- Tôi không kè kè bên chồng. Chỉ trong một số sự kiện quan trọng, tôi mới xuất hiện cùng ông xã thôi. Mọi việc của anh, tôi lên kế hoạch từ trước, anh chỉ cần thực hiện theo là đủ. Tôi còn nhiều việc khác phải lo nữa.
Một ngày, tôi dành ra hai buổi để lên lớp với sinh viên. Con cái đi học cả ngày nên tôi chỉ cần lo việc đón con buổi chiều, cho ăn và đưa đi học thêm buổi tối. Về công việc kinh doanh ở nhà hàng, tôi đã có người quản lý hỗ trợ, có thể theo dõi và đôn đốc vào cuối ngày. Thời gian còn lại trong ngày, tôi dành cho công ty giải trí.
Chị Thanh Hoa coi việc giúp đỡ chồng thỏa mãn đam mê ca hát là niềm hạnh phúc. Ảnh: HBN. |
- Anh chị làm thế nào để tình cảm riêng không ảnh hưởng tới công việc chung?
- Trong công việc, chúng tôi phân định rất rạch ròi: chồng phụ trách âm nhạc, vợ đảm nhận tất cả việc quản lý nơi hậu trường. Thi thoảng, anh Tấn vẫn hỏi ý kiến tôi về chuyện thể hiện một ca khúc nào đó có ổn không. Tất nhiên, tôi và anh không tránh khỏi những lúc tranh luận, phản biện nhau, nhưng chưa bao giờ các cuộc hội thoại trở thành cãi vã. Nhìn chung, vợ chồng tôi ít khi mâu thuẫn lớn trong công việc.
- Môi trường showbiz với nhiều cám dỗ đôi khi làm người nghệ sĩ yếu lòng. Gia đình chị đã bao lần gặp phải tình huống này?
- Tôi gặp nhiều trường hợp người hâm mộ là nữ giật tay chồng tôi khỏi mình để xin chụp ảnh kỷ niệm và trò chuyện. Hồi mới yêu, tôi cũng sốc, tự dưng thấy mình trở thành người thừa rồi quay ra giận dỗi. Dần thì thành quen, mỗi lần như thế tôi chỉ cười và cảm thông cho ông xã. Nhưng tôi chỉ chấp nhận một chừng mực nào đó. Tôi từng nói rõ với anh rằng: "Anh mắc lỗi lầm thì nó ảnh hưởng không chỉ em mà cả các con, gia đình của chúng ta. Tất cả đều do anh lựa chọn".
Cái gì tai không nghe, mắt không thấy, tốt nhất là nên bỏ qua, không đề cập. Chuyện gì cũng cố tìm hiểu cho minh bạch, ngọn ngành thì cuối cùng ai là người bị tổn thương? Chính là bản thân mình. Tôi không thích điều đó.
Hôn nhân của chúng tôi từng gặp sóng gió nhưng cũng may mọi thứ vẫn đi theo đúng quỹ đạo. Tôi nghĩ một cuộc hôn nhân hạnh phúc là hai người phải có sự tin tưởng lẫn nhau. Nếu không còn sự chia sẻ, tình yêu có giữ đến mấy cũng khó mà bền được. Chồng tôi cũng là người chừng mực. Anh biết điều gì làm và không nên làm để gia đình hạnh phúc.
Giâ đình Trọng Tấn và Thanh Hoa. |
- Chị thấy mình được và mất gì khi là vợ Trọng Tấn?
- Với tôi, làm vợ anh Tấn là có một gia đình đúng nghĩa, trọn vẹn. Vợ chồng tôi đều hiểu ý nghĩa của hai từ "tổ ấm" và luôn cố gắng duy trì, giữ gìn. Từ khi lấy nhau, tính tôi thay đổi nhiều. Ngày trước, tôi sôi nổi, anh Tấn thì trầm lặng. Hai tính cách trái ngược khi gặp nhau lại trở nên dung hòa. Tôi giờ sống có chiều sâu hơn và học được sự hóm hỉnh từ chồng, còn anh Tấn thì cởi mở hơn.
Lấy một nghệ sĩ tất nhiên tôi không tránh được sự thiệt thòi. Những ngày nghỉ lễ, anh Tấn thường phải đi công tác. Tôi và các con lúc đó chỉ có cách tự tìm niềm vui với nhau. Nhiều lúc con ốm đau, tôi cũng phải tự xoay xở. Nhưng sự tủi thân không lớn bằng niềm tự hào về người chồng, người cha của mình mỗi khi ba mẹ con được người hâm mộ nhận ra ở đâu đó.
- Trong gia đình, anh chị "phân quyền" thế nào?
- Tôi là "nhạc trưởng" còn chồng tôi là "nhạc công" (cười). Công việc của chồng tôi khá bận, thường xuyên phải đi công tác nên khó quán xuyến được mọi việc trong nhà. Thực ra, tôi nghĩ những chuyện chăm con, quan hệ với gia đình hai bên hay người thân... chỉ là việc nhỏ, không đến nỗi quá to tát mà để chồng phải bận tâm. Nhiều người bảo chồng tôi sợ vợ nhưng không phải. Tuy ít nói, ông xã tôi là người có cá tính mạnh, cũng "lầm lì xì ra khói" đấy. Nếu vợ nói điều gì không đúng, anh sẽ "chiến đấu" tới cùng. Nhưng anh Tấn rất biết chia sẻ với vợ. Mỗi lần đi diễn về, anh đều hỏi han, bàn bạc với vợ về mọi quyết định.
- Anh chị dành thời gian thế nào cho đời sống tinh thần của các con?
- Tôi có một nguyên tắc là không bao giờ nhận công việc vào cuối ngày để ở bên hai con. Một số ngày trong tuần, các con tôi phải tham gia lớp học đàn và nhảy nữa. Nếu mẹ không đưa đi được thì bố phải tự tay làm.
Tôi cho rằng vấn đề con cái luôn phải kiểm soát được, chỉ cần lơ là một chút là dễ "hỏng". Bố bao giờ cũng chiều con hơn nên mẹ luôn phải đóng vai ác (cười). Nói vậy không có nghĩa lúc nào tôi quyết định các con phải làm gì. Vợ chồng tôi thay phiên nhau trong việc dạy dỗ, mềm nắn rắn buông. Nếu anh Tấn trò chuyện với con, tôi sẽ im lặng và ngược lại. Có vậy, các con mới không bị tổn thương, mới thấy lời dạy của bố mẹ có sức nặng.
Đức Trí thực hiện