Theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan đều quy định vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau.
Theo khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình: "Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ" là một trong những hành vi bị cấm.
Như vậy, chồng bạn quan hệ tình cảm bất chính nhưng hai người không chung sống với nhau thì chưa bị coi là vi phạm pháp luật. Hành vi ngoại tình đó chỉ bị coi là vi phạm đạo đức. Hai người đó có hành vi ngoại tình và không vi phạm pháp luật nên bạn cần phải bình tĩnh, tránh tình trạng quá kích động dẫn đến bản thân mình vi phạm pháp luật. Việc bạn có các "ảnh nóng" chỉ nên sử dụng để làm bằng chứng trước tòa chứ tuyệt đối không được tung ảnh nóng lên mạng vì hành vi này có thể bị coi là hành vi phạm pháp luật.
Về dân sự: Theo Điều 31 Bộ Luật Dân sự 2005 về quyền của cá nhân đối với hình ảnh:
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
2. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác.
3. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Điều 37 Bộ Luật Dân sự 2005 quy định: "Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ".
Như vậy, chồng bạn và cô gái có hành vi ngoại tình được pháp luật bảo vệ đối với hình ảnh, danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Trong trường hợp bạn cố tình tung ảnh nóng lên mạng hoặc phổ biến ra công chúng thì có thể bị coi là có hành vi vi phạm các quy định pháp luật nêu trên. Những người bị công bố ảnh nóng có thể khởi kiện người tung ảnh ra tòa để yêu cầu xin lỗi công khai, đồng thời đòi bồi thường thiệt hại (nếu có).
Về hành chính: Hành vi tung ảnh nóng lên mạng còn có thể bị coi là vi phạm quy định pháp luật về sử dụng Internet. Cụ thể, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP: "Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích:… Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc".
Theo đó, nếu bạn cố tình tung ảnh nóng lên mạng có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Về hình sự: Nếu hành vi phát tán ảnh nóng lên mạng xã hội làm lan truyền rộng rãi tới dư luận thì có thể bị coi là có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, theo đó đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bạn còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội sau:
Nếu hành vi của bạn xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của chồng và cô gái kia thì bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 121 Bộ luật hình sự, Cụ thể:
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều người;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.
Nếu bạn tung những hình ảnh nóng trên mạng xã hội cho tất cả mọi người xem thì cũng có thể bị khởi tố hình sự về Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo quy định tại Điều 253 Bộ luật hình sự.
Theo đó:
1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có tính chất đồi truỵ, cũng như có hành vi khác truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Vật phạm pháp có số lượng lớn;
b) Phổ biến cho nhiều người;
c) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn;
c) Đối với người chưa thành niên;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội