Thoạt đầu tôi cứ nghĩ là sự chia sẻ của vợ tôi dành cho người bạn của chồng bởi nỗi đau anh ấy vừa ly hôn. Nhưng dần theo thời gian họ đã gần gũi nhau hơn và thường xuyên nhắn tin gọi điện. Tôi đã nhiều lần nói chuyện với vợ và cả bạn, những tưởng có sự thay đổi, nhưng thật phũ phàng là cả hai người đều trơ ra.
Tôi quá đau khổ và không còn cách nào khác nên bỏ bê công việc, gia đình, vợ con để lao vào cuộc chơi, rượu chè. Sau 3 tháng giận nhau vợ tôi đề nghị ly hôn, và tôi lại thấy họ nhắn tin, nói chuyện với nhau thân mật hơn trước, tôi thất bại hoàn và không tìm cách xử lý được vấn đề này. Tôi yêu vợ, yêu quý gia đình nên không thể chấp nhận lời đề nghị, nhưng mãi sống trong cảnh này thì lương tâm tôi không cho phép. Xin hãy giúp tôi (Thạch).
Trả lời:
Chào anh Thạch,
Trước hết cảm ơn anh đã tin tưởng chia sẻ những khúc mắc trong đời sống hôn nhân đang gặp phải. Anh đang đứng trước quyết định khó khăn khi phải lựa chọn một trong hai: Chấp nhận lời đề nghị ly hôn của vợ, hoặc tìm cách để hàn gắn những rạn nứt trong đời sống vợ chồng. Cả hai lựa chọn đều không dễ với anh vì dù muốn hay không, mọi việc vẫn phụ thuộc vào quyết định của vợ anh. Hy vọng qua những chia sẻ và gợi mở dưới đây, anh sẽ biết mình nên làm gì trong lúc này để có thể dung hòa mối quan hệ vợ chồng và có thể tháo gỡ mọi chuyện cách êm đẹp.
Theo những gì anh chia sẻ, hiện tại vợ chồng anh đang có những mâu thuẫn không thể dung hòa khi chị ấy đã đề nghị ly hôn. Nguyên nhân dẫn tới quyết định này là do anh phát hiện vợ có mối quan hệ không bình thường với thủ trưởng, cũng là bạn học của anh. Mặc dù anh đã gặp gỡ từng người để nói chuyện nhưng đã thất bại hoàn toàn khi họ chẳng những không dừng lại mà còn nhắn tin nói chuyện thân mật hơn trước.
Với những thông tin vắn gọn anh cung cấp, không biết rằng mối quan hệ vợ chồng anh trước thời điểm vợ và thủ trưởng có mối quan hệ không bình thường như thế nào, có tồn tại những mâu thuẫn hay xung đột gì không? Liệu đã có những rạn nứt âm thầm tồn tại trong đời sống chung của hai người? Sở dĩ tôi đặt ra những câu hỏi như vậy để anh có dịp nhìn lại tình cảm đời sống vợ chồng trong 9 năm chung sống để tìm rõ ngọn nguồn sự việc, nhằm giúp anh tìm ra hướng giải quyết cụ thể hơn.
Ở đây, anh có xác định được mối quan hệ giữa vợ và thủ trưởng đang ở mức độ nào hay chưa? Mối quan hệ ấy chỉ dừng lại ở mức độ nhắn tin, thăm hỏi, trò chuyện hay đã vượt quá giới hạn? Có chỗ tồn tại cho những đoán già đoán non, cho những đa nghi hoặc ghen tuông của anh trong mối quan hệ này hay không?
Nói như vậy không phải tôi đứng về phía chị nhưng thực tế, có nhiều người vì đa nghi, vì quá ghen nên chuyện bé xé ra to làm tan vỡ hạnh phúc gia đình. Thật khó để họ thay đổi theo đề nghị của anh nếu mối quan hệ chỉ dừng lại ở mức độ nhân viên thủ trưởng, thậm chí là bạn bè đồng nghiệp vì dẫu sao, thủ trưởng của vợ cũng là bạn của anh.
Giả sử mối quan hệ giữa vợ và thủ trưởng là không bình thường như anh suy đoán, nhưng từ khi phát hiện đến nay tình cảm vợ chồng anh diễn ra thế nào? Trong 3 năm ấy, ngoài việc anh nói chuyện với vợ và bạn, anh đã làm gì để giải quyết những mâu thuẫn cũng như hàn gắn mối quan hệ vợ chồng? Trong 3 năm ấy, anh nhận thấy mối quan hệ giữa vợ và thủ trưởng có những thay đổi? Quan trọng hơn, anh có nhận thấy sự khác lạ trong tình cảm, trong cách cư xử của vợ với chồng con?
Trước sự việc như vậy, anh nghĩ không còn cách nào để giải quyết nên bỏ bê công việc, thậm chí gia đình vợ con rồi lao vào chơi bời, rượu chè. Đây có phải việc làm đúng trong lúc vợ chồng đang có những lục đục và mâu thuẫn như vậy? Việc làm này có nói lên sự bế tắc hay thiếu tự tin, quyết đoán của anh trong vai trò làm chồng cũng như trong việc đối diện và giải quyết những mâu thuẫn gia đình? Chắc hẳn anh đã thấy hệ quả từ hành động của mình khi mâu thuẫn giữa vợ chồng chẳng những không được giải quyết mà còn làm mối quan hệ giữa hai người thêm căng thẳng để rồi sau 3 tháng, chị đã đề nghị ly hôn với anh.
Ở thời điểm hiện tại anh nói còn yêu vợ và quý gia đình nên không chấp nhận lời đề nghị ly hôn của chị. Tuy nhiên, mâu thuẫn vợ chồng đang đặt anh trước những lựa chọn rất rõ ràng: hoặc là chấp nhận ly hôn, hoặc phải tìm cách để giải quyết. Ly hôn là điều anh không muốn nhưng trong trường hợp chị kiên quyết, anh cũng phải tính đến việc đối diện và lựa chọn thế nào.
Anh Thạch mến, thiết nghĩ việc anh nên làm là xem lại tình nghĩa vợ chồng mình đang ở mức nào rồi có những trao đổi với vợ về những gì đang tồn tại để tìm cách giải quyết. Cả hai nên trình bày rõ suy nghĩ, quan điểm và nguyện vọng của mình để giải tỏa những vướng mắc và để hiểu nhau hơn. Bên cạnh đó, anh có thể nhờ những người thân đáng tin cậy và có kinh nghiệm làm trung gian giữ vai trò hòa giải để lắng nghe và hỗ trợ anh trong việc giải quyết mâu thuẫn vợ chồng.
Trước khi trao đổi với vợ, bản thân anh cũng nên xem lại mình vì nguyên nhân dẫn đến tình trạng “cơm không lành, canh chẳng ngọt” trong đời sống vợ chồng không chỉ bắt nguồn từ một phía. Hãy xem lại vai trò làm cha, làm chồng của mình cũng như trong cách cư xử, tình cảm hoặc những vấn đề khác nữa để giúp anh có cái nhìn thấu đáo, toàn diện và quyết định đúng đắn hơn.
Cũng lưu ý anh khi giải quyết mâu thuẫn vợ chồng, đặc biệt là trong việc ngoại tình hoặc nghi ngờ ngoại tình, cần phải hết sức bình tĩnh để trao đổi thắng thắn với nhau để tìm ra nguyên nhân khắc phục. Bên cạnh đó, để vấn đề này được giải quyết ổn thỏa, rất cần đến sự rộng lượng, bao dung tha thứ của cả hai.
Đó là một số vấn đề xin được chia sẻ với anh. Mong anh có được sự bình tĩnh, sáng suốt để chọn cho mình hướng giải quyết phù hợp với hoàn cảnh của mình trong lúc này.
Thân mến,
Chuyên viên tâm lý Từ Tâm
Trung tâm tư vấn Nhịp Cầu Hạnh Phúc