Vợ trước khi nghỉ sinh cũng đi làm, lương khoảng 25-30 triệu đồng. Chúng tôi đã mua được nhà từ tiền tiết kiệm của hai đứa trước hôn nhân. Đầu năm chúng tôi mua một chiếc xe từ chút tiền tiết kiệm sau kết hôn, bố mẹ vợ cho 200 triệu đồng, còn lại là vay ngân hàng. Khi con được sáu tháng là thời điểm vợ trở lại làm việc nhưng vợ xin nghỉ thêm để ở nhà chăm con. Vợ dự định nghỉ đến khi con được ít nhất là một tuổi, hoặc đủ 18 tháng con đi lớp rồi vợ sẽ đi làm lại.
Nhà ông bà nội cách chúng tôi khoảng 10 km nên tôi muốn đón bà nội lên hỗ trợ việc chăm bé, vợ không đồng ý vì không yên tâm giao con cho bất kỳ ai. Tôi bảo bà đã chăm mấy cháu rồi thì kinh nghiệm có khi còn dày dặn hơn cả vợ. Vợ gạt đi và nói việc nuôi dạy em bé của hai thế hệ rất khó để hòa hợp, không phải lúc nào cô ấy cũng có thể bắt lỗi bà hay yêu cầu bà làm theo cách của mình. Tôi đành chiều theo.
Đúng là vợ nuôi dạy con rất khoa học. Thằng bé nề nếp, ngoan ngoãn. Vì thế vợ tôi không bận rộn như những bà mẹ khác dù tôi không giúp được gì. Khi tôi chỉ cho vợ cách kiếm tiền, cô ấy kêu mệt, cần nghỉ ngơi, trong khi thực tế cô ấy xem youtube, tìm hiểu cách chăm sóc con..., nói chung chẳng đâu vào đâu. Cô ấy còn dành ra hơn một tiếng mỗi ngày để tập thể dục nên vóc dáng thon gọn như thời son rỗi. Tôi kể ra để thấy rằng cô ấy chăm con không hề vất vả, vậy tại sao luôn kêu mệt khi tôi muốn hướng dẫn cách kiếm tiền? Tôi luôn muốn phấn đấu để sau này con mình có nền tảng kinh tế, đỡ vất vả như tôi. Cô ấy không muốn kiếm tiền nhưng chi tiêu cả đống.
Chúng tôi mỗi tháng bỏ ra hơn 20 triệu đồng để trả ngân hàng tiền mua xe, còn lại gần 40 triệu đồng để chi tiêu. Tiền tôi đưa hết cho vợ giữ. Mỗi tháng cô ấy tiêu không dưới 25 triệu đồng, tiền để ra chẳng là bao. Đến nay khi bé chín tháng, ăn uống đa dạng hơn thì cô ấy thỉnh thoảng còn mua kiwi, cherry cho con ăn. Tôi không tiếc tiền cho con nhưng nghĩ trái cây Việt Nam nhiều và sạch, mùa nào ăn quả đấy có phải hơn không? Thậm chí vợ còn mua bào ngư nấu cho bé ăn một tuần một lần. Cứ ăn uống đầy đủ là được rồi, đâu nhất thiết phải sơn hào hải vị. Mỹ phẩm cô ấy dùng cũng toàn hàng đắt tiền, mỗi bộ cũng phải đến 10 triệu đồng, dùng trong 3-4 tháng.
Tôi muốn tiết kiệm một chút để có nhiều tài sản tích lũy cho con. Tiêu tiền phóng khoáng là thế nhưng cô ấy rất khó khăn với gia đình chồng. Tôi là con trưởng, đại gia đình cũng lắm cỗ bàn, giỗ chạp. Quê tôi mặc định con trưởng và cháu đích tôn sẽ là người lo giỗ. Bố mẹ đã giao lại cho chúng tôi làm từ sau khi kết hôn. Một năm có khoảng hơn chục giỗ từ những người mà chúng tôi gọi bằng cụ. Tôi đã giải thích rằng đó là trách nhiệm của cháu đích tôn, vợ gân cổ lên cãi rằng bố mẹ và các cô dì chú bác còn sống thì chưa đến lượt vợ chồng tôi.
Vợ bảo con người không từ lỗ nẻ chui lên nên trách nhiệm và quyền lợi phải chia đều, có chăng là trai trưởng sẽ trách nhiệm cao hơn chứ không phải gánh tất. Nhà tôi mỗi lần có giỗ sẽ làm khoảng 6-7 mâm để đầy đủ con cháu tụ họp. Vợ nói giỗ người mà chúng tôi gọi bằng cụ, chẳng biết mặt mũi ra sao, khoảng cách mấy đời, thế mà phải làm cỗ linh đình thịnh soạn, chủ yếu là để trẻ con gặp nhau bù khú, gánh nặng lại đặt lên người làm giỗ, nhưng khách mời là do bố mẹ tôi quyết định. Vợ rất tức vì phải chi tiền nhưng không được quyết định khách mời. Vợ bảo hậu duệ gần gũi còn sống và khỏe mạnh thì chúng tôi không phải gánh trách nhiệm lớn đến thế. Nếu chúng tôi lo hết việc trong gia đình từ bây giờ thì sau này đất đai từ đời các cụ chẳng phải sẽ thuộc về chúng tôi hay sao?
Vợ còn nói bố mẹ tôi chưa nhận được cái gì thì chúng tôi cũng đừng ngó đến một hạt cát. Tôi thấy vợ nông cạn. Tôi mong cô ấy có thể kiềm chế để không làm hỏng kế hoạch của tôi. Có bao nhiêu bực tức trong lòng cô ấy trút hết lên tôi. Cô ấy không dám nói với bố mẹ chồng để giữ hình tượng con dâu thảo. Thỉnh thoảng cô ấy cũng biếu bố mẹ chồng đồ ăn thức uống, thuốc bổ, quần áo..., cho anh chị em bên chồng thứ nọ thứ kia nhưng toàn là tiền của tôi. Tôi làm giỗ cũng bằng tiền của tôi.
Quang Vinh
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc