TAND Hà Nội vừa tuyên phạt Kiều Đức Ấm (cựu chủ tịch HĐQT quỹ tín dụng Đại Đồng, Thạch Thất) án 16 năm tù về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Theo bản án, năm 2016 Ấm khi làm việc tại quỹ tín dụng Đại Đồng đã quản lý một bộ chìa khóa dự phòng của kho tiền nên "rút ruột" gần 1,4 tỷ đồng. Số tiền này Ấm cho người quen vay, nhưng khi họ trả tiền, ông ta lại mang gán nợ cá nhân hoặc tiêu hết.
Quá trình điều tra xác định, từ năm 2015 đến 2016, Ấm còn nhờ 7 người thân, quen đứng tên làm hồ sơ vay vốn tại Quỹ tín dụng bằng hình thức tín chấp không đúng với quy chế, tổng cộng hơn một tỷ đồng. Ấm ký duyệt các hồ sơ cho vay tín chấp này và chỉ đạo cấp dưới giải ngân.
Những người đứng tên vay đưa lại toàn bộ số tiền được giải ngân cho Ấm và thỏa thuận ông ta phải có trách nhiệm trả tiền gốc, lãi các khoản vay. Toàn bộ số tiền này Ấm sử dụng riêng và không có khả năng trả.
7 người đứng tên vay tiền cho Ấm đều khai do tin tưởng và nể nang nên làm giúp. Họ hiện đều phải bỏ tiền túi ra trả cho quỹ tín dụng. Tại phiên tòa mở đầu tháng 4, Ấm bị phạt 16 năm tù, phải bồi thường 1,2 tỷ đồng cho những người trên.
Luật sư Nguyễn Văn Hùng (Hà Nội) cho biết khi một người tự nguyện ký tên vào hợp đồng vay tiền giúp người khác mà người đó có đủ năng lực hành vi dân sự, mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội thì giao dịch dân sự đó có hiệu lực. Khi đến hạn trả tiền, người ký hợp đồng có nghĩa vụ trả nợ cho bên vay theo quy định tại khoản 1 điều 466 Bộ luật dân sự 2015.
Hợp đồng tín dụng thường đi kèm với nhiều nghĩa vụ và khoản phí phạt rất cao khi không thanh toán đúng hạn. Để không gặp phải những rủi do khi đứng tên ký vay tiền giúp người khác hoặc bảo lãnh cho người khác vay tiền, bạn cần tỉnh táo tránh để tình cảm và lời nói bên ngoài chi phối. Nếu thấy có vấn đề, bạn phải kiên quyết từ chối dù là họ hàng, người thân.
Trường hợp đứng tên ký vay tiền giúp người khác hoặc bảo lãnh do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép, bạn có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó vô hiệu. Nếu có dấu hiệu tội phạm, bạn có thể tố giác tội phạm với cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Bảo Hà