Ảnh minh họa: Corbis.com. |
Chị Hoài cho biết cậu vốn rất ngoan, nghe lời và chăm học. Nhưng gần đây, cô giáo đã mấy lần gọi điện kêu con lười học, trong lớp không chịu nghe giảng, lại hay gây gổ với bạn. Có lần hai vợ chồng chị đã bị nhà trường mời lên vì tội con đánh nhau với bạn. Ở nhà, cậu cũng hay to tiếng, thậm chí cáu bẳn với cha mẹ khi gặp điều trái ý.
"Tôi cũng không hiểu vì sao tự dưng cháu lại thế. Chả biết giống tính ai nữa, ở nhà có ai thế đâu", chị Hoài tâm sự.
Nhà tâm lý Lã Linh Nga, Phòng khám Tuna (phố Vọng, Hà Nội) cho biết, giống như chị Hoài nhiều cha mẹ không hiểu vì sao tự dưng tính tình con lại thay đổi, hay nổi nóng, sợ con hư hỏng nên mới đưa con đến gặp nhà tâm lý mà không biết rằng con học tính này từ chính người lớn.
Con trai chị Hoài cho biết cậu học tính này từ chính bố mình. Khi con cái gặp lỗi, dù biết là nhỏ như đi chơi về muộn hay bị điểm 5... nhưng bố cậu vẫn mắng rất gay gắt, để "chúng mày biết sợ sau này không dám tái phạm nữa".
Nhiều lần, bố đi làm về gặp chuyện không vui ở cơ quan lại trút hết lên đầu cậu: "Mấy giờ rồi mà còn xem tivi, lúc nào cũng chỉ xem phim, hết phim rồi lại chơi game. Con nhà người ta học đêm ngày chả xong, con nhà mình thì đã dốt lại còn lười...", nặng hơn là "Sao mày ngu như lợn, ngu như chó thế".
Chị Nga cho biết, những trường hợp như con chị Hoài không phải là hiếm gặp, thường ở trẻ cấp 2,3. Một số người hay coi đó là sự nổi loạn của lứa tuổi mới lớn. Đến một lúc nào đó, các teen thường thay đổi tính tình và một trong những thay đổi dễ nhận là các em hay nổi giận vô cớ, có khi cơn giận rất mạnh. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp trong số đó là do ảnh hưởng từ cha mẹ, do sự dồn nén lâu ngày như trường hợp của Hùng 17 tuổi, Đông Anh, Hà Nội.
Chị Thu, mẹ cậu cho biết, chị đưa con đi khám vì đã có lần thấy con cầm dao dọa bố. Chị sợ con có vấn đề gì về tâm lý nên mới có hành động dại dột như thế, hay đập phá, bỏ học đi chơi. Thế nhưng khi gặp bác sĩ tâm lý, cậu lại tỏ ra hết sức bình thường, thậm chí rất dễ chịu.
Cậu kể bố suốt ngày chửi mắng hai mẹ con, nào là "ăn bám, ăn tàng phá hoại, tao làm được bao nhiêu hai mẹ con mày phá hết", "cơm nấu thế này cho chó nó ăn à", rồi hất tung mâm cơm... Trong khi mẹ cậu lại quá nhu nhược, bố nói gì cũng mặc kệ.
"Từ nhỏ, em đã phải chứng kiến cảnh bố hành hạ cả hai mẹ con nên ghét bố lắm nhưng không làm được gì vì còn nhỏ. Đến khi lớn, em không để ông bắt nạt mẹ và em nữa. Khi bố nổi khùng thì em chửi lại, chán rồi bỏ nhà đi lang thang. Em từng cầm dao dọa bố vì bố chửi 'Mày cút đi, đồ chó'", Hùng kể lại.
Theo chị Nga, trẻ giao tiếp với mọi người theo cách mà chúng học được từ người lớn, đặc biệt là những người gần gũi nhất như cha mẹ. Nếu cha mẹ luôn nóng giận, thiếu kiềm chế, trẻ cũng sẽ có hành động bắt nạt, nóng giận với những đứa trẻ khác, thậm chí là quay lại phản kháng với chính cha mẹ mình. Trẻ sẽ nghĩ rằng, cách giao tiếp như thế là "bình thường".
Hơn nữa, khi giận dữ, không kiểm soát được hành vi của mình, cha mẹ có thể nói những câu nặng nề khó nghe, thậm chí lôi con xềnh xệch. Điều này sẽ khiến con cái mất sự tôn trọng, đặc biệt khi sự giận dữ đó là vô cớ.
"Dù trẻ có thể không tập nhiễm tính cách từ cha mẹ thì tình cảm của trẻ cũng bị tổn thương, dẫn đến xa lánh, sợ hãi cha mẹ. Kết quả là cha mẹ sẽ càng khó khăn hơn trong việc tiếp cận vào giáo dục con", chi Nga giải thích.
Cũng theo chị Nga, cha mẹ khi thấy con có biểu hiện mệt mỏi, chán học, hay nổi khùng, kết quả học tập giảm sút, ứng xử với bố mẹ thay đổi rõ rệt thì không nên nghĩ con hư, mà có thể đây là vấn đề tâm lý. Điều quan trọng, cha mẹ cần kiềm chế những cơn tức giận của mình, để không ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Nam Phương
* Tên nhân vật đã được thay đổi.