Bồn chồn khi nửa đêm chồng đi nhậu vẫn chưa về, chị Hà (Gia Lâm, Hà Nội) ra cửa ngóng thì thấy anh xã đã nằm ngủ phía ngoài cửa sắt nhà mình. Chị chia sẻ hình ảnh này hôm 3/6 trên trang cá nhân cùng những lời nhắn nhủ tới cánh mày râu, hy vọng như một lời cảnh tỉnh các anh biết điểm dừng khi bia rượu.
"Khi đăng bức hình này, bản thân tôi cảm thấy xấu hổ với nhiều người xung quanh và biết sẽ nhận được các ý kiến trái chiều. Dù vậy, tôi mặc kệ tất cả bởi hiểu rõ điều gì quan trọng nhất với gia đình và làm sao để bảo vệ người thân của mình", chị Hà viết.
Gửi các anh - những người bạn nhậu của chồng em,
Em không biết các anh thế nào, còn em nửa đêm vẫn thấp thỏm, lo lắng nếu chồng đi nhậu chưa về, mắt thì ríu lại nhưng không dám ngủ. Đêm nay cũng vậy, vì khoá cổng để ru 2 bé ngủ, em linh tính có gì đó nên ra ngoài xem thì thấy cảnh này. Có lẽ vì đã khuya, vì sợ con tỉnh giấc, ngại phiền hàng xóm nên chồng em không bấm chuông như mọi ngày mà nằm như thế. Suy nghĩ đầu tiên của em khi đó là cảm ơn trời đất anh ấy đã về đến nhà an toàn, ơn trời vì đã không mưa bất chợt như mấy hôm trước và thật may vì anh ấy không gặp phải cơn gió độc!
Em tự hỏi, nếu đêm nay em cứ mặc kệ đi ngủ thì trong trạng thái say mèm, nằm dưới sàn gạch lạnh ngắt ngoài hành lang đầy gió, liệu có bất trắc nào xảy ra? Và nếu có thì điều đó là gì, có ảnh hưởng tới các anh không? Em đoán là có vì có thể các anh sẽ buồn, thấy áy náy, thân thiết hơn thì thấy hối hận vì đã quá chén với nhau, vì không ngăn nhau lại để tất cả cùng tỉnh táo... Rồi thì cùng lắm là các anh đến viện hỏi thăm một vài lần hoặc đến nhà... thắp nén nhang (phủi phui cái miệng).
Còn những người vợ như chúng em sẽ ra sao? Kinh khủng hơn các anh nghìn lần, chúng em sẽ phải chịu nhiều đau khổ, mất mát không gì bù đắp được. Các con cũng sẽ thiệt thòi đủ thứ khi không được cha hằng ngày ở bên chăm sóc, dạy dỗ và bảo vệ. Em không dám hình dung ra viễn cảnh ấy nhưng đó là điều hoàn toàn có thể xảy ra với bất kỳ gia đình nào.
Rượu bia không hẳn xấu, thậm chí là tốt cho sức khoẻ nếu các anh biết sử dụng đúng liều lượng. Nhưng hỡi ôi, các anh toàn biến nó trở thành chất kích thích độc hại cho sức khoẻ, tần suất dùng lại quá thường xuyên.
Thật không hiểu nổi vì sao đàn ông dùng bia rượu giải tỏa mọi cung bậc cảm xúc: vui thì gọi anh em ra uống để chúc mừng, buồn, tức bực hay giận hờn gì với vợ con cũng gọi huynh đệ ra uống để san sẻ, động viên nhau... Đàn ông là phải như vậy ư? Nếu đó là sự thật thì em xin phép cười nhạt một cái, bởi vì cách đối mặt với cảm xúc tiêu cực của các anh còn thua xa phụ nữ chúng em.
Phụ nữ có gặp phải những cảm xúc đó mỗi ngày không? Có, thậm chí nhiều hơn vì ngoài lo toan về kinh tế, công việc như các anh, chúng em còn thêm gánh nặng về con cái, bếp núc, đối nội, đối ngoại... Với những mệt mỏi quá sức như vậy, phái yếu lẽ ra càng cần sự quan tâm, sẻ chia của các anh nhiều hơn. Vậy mà chỉ vì vài ba câu nói để giải toả cảm xúc tiêu cực thì phái mạnh lại rủ nhau ra ngoài nhậu cho đã, mặc kệ phụ nữ cùng lũ nhỏ nheo nhóc đeo bám nhau. Phải nói thật là các anh có phần phũ quá.
Đúng là đôi khi vì tính chất công việc các anh phải xã giao, tiếp khách, chúng em vui vẻ đồng ý. Thỉnh thoảng, khi stress quá thì phải gặp gỡ giao lưu bạn bè để lấy động lực vui vẻ, ngày hôm sau sẽ làm việc khí thế hơn, đó là điều nên làm. Quan trọng là các anh phải biết điểm dừng, đến cái ngưỡng mà nếu chỉ nhấp thêm ngụm nữa sẽ bước đi loạng choạng, không làm chủ được lời nói, hành động của mình. Vậy thì xin hãy dứt khoát một cách mạnh mẽ để nói lời từ chối! Đây là kim chỉ nam, là câu thần chú mà chúng em tha thiết mong các anh ghi nhớ!
Và, thêm một điều nữa, trước khi nâng ly lên xin hãy nhớ tới hình ảnh mẹ già, con thơ và mụ vợ tuy xấu xí nhưng tốt bụng đang ở nhà mong ngóng mình về, để biết điểm dừng.
Từ những lời em nói phía trên cùng với hình ảnh chồng em nằm kia, em không muốn các anh sẽ cười chê anh ấy rằng uống kém hay không biết dừng, cũng không mong các anh sẽ tẩy chay anh ấy trong các cuộc vui. Điều em tha thiết mong muốn là các anh hãy là những người anh em tốt, hãy biết điểm dừng của bản thân và người khác để dừng lại. Xin đừng ép nhau uống. Chính sự ép buộc hơn thua đó có thể đẩy một gia đình từ hạnh phúc đi tới bất hạnh!
Xin hãy để cuộc vui của các anh là cuộc vui trọn vẹn mà không hề có bất kỳ giọt nước mắt nào sau đó. Và, lâu lâu các anh hãy gặp mặt nhau bởi các con em cần có bố chơi cùng, đọc truyện cho chúng nghe, lấp đầy những hình ảnh đẹp về cha trong mắt chúng và để em có cơ hội được là người phụ nữ dịu dàng, biết lắng nghe và chia sẻ với chồng về mọi thứ, để gia đình em cũng như gia đình các anh luôn đầy ắp tiếng cười".
Sau khi đăng lá thư này, chị Hà nhận được hơn 7.200 bình luận, đa phần là những lời chia sẻ, ủng hộ của phụ nữ. Không ít chị em còn nhắc tên chồng với lời nhắn nhủ "Đọc đi", "Đọc rồi ngẫm nhé", hay "Đa số phụ nữ đều có tâm trạng như thế này. Thương nhiều người ta mới cằn nhằn thôi"...
Tuy nhiên, chị Hà cho biết, không ít người lại hiểu nhầm ý chị hoặc biến tấu theo một hướng khác, rằng chị đang bêu riếu hay làm mất mặt chồng, bạn chồng. Bản thân chồng chị sau khi thấy vợ đăng hình mình trên mạng ban đầu cũng tức giận nhưng sau đó dần hiểu ý tốt của vợ. Ngoài ra, chị viết không hề vì ghét những người bạn nhậu của chồng, thậm chí còn quý mến vì nhiều người trong đó là bạn tốt của cả anh và chị.
"Thật ra, điều tôi viết không chỉ dành riêng cho chồng mình mà là tới tất cả đàn ông Việt Nam, hy vọng nó sẽ là lời cảnh tỉnh đến các anh trước khi quá muộn", chị Hà bày tỏ.
Chị cho biết, hình ảnh trong bài viết chỉ là một lát cắt rất nhỏ về chồng mình. Trong cuộc sống hằng ngày, anh là người chồng, người cha chu đáo, đầy trách nhiệm, không nề hà việc gì đỡ đần vợ con. "Nếu không có những lần nhậu tới say mềm, anh ấy là người đàn ông hoàn hảo", chị viết.
Vương Linh