Theo ông Trần Văn Mạnh - Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam (VOC), ông Giang qua đời khi ngủ trưa tại nhà riêng.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Thị Hoàng Yến cho hay: "Thể thao Việt Nam phát triển như hiện nay có dấu ấn và đóng góp to lớn của ông Hoàng Vĩnh Giang. Sự ra đi của ông chắc chắn là tổn thất lớn đối với thể thao nước nhà".
Ông Giang sinh năm 1946, con trai của cố giáo sư Hoàng Minh Giám - người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (giai đoạn 1947-1954) và Bộ trưởng Bộ Văn hóa (1954-1976). Từ nhỏ, ông đã có tố chất đặc biệt với thể thao, từng vô địch nhảy cao, chơi bóng rổ và học võ, từ boxing tới các môn võ cổ truyền. Ông là một võ sư Vịnh Xuân quyền, nhiều năm nắm giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam.
Trong vai trò quản lý, ông giúp thể thao Việt Nam gặt hái nhiều thành công, được xem là kiến trúc sư trưởng cho kế hoạch "đi tắt, đón đầu" khi tập trung đào tạo một số môn mũi nhọn như wushu, điền kinh, taekwondo, judo, vật, boxing, đấu kiếm... để giành thành tích cao ở đấu trường SEA Games, từ kỳ đại hội 22.
Ông Giang sử dụng thành thạo ba ngoại ngữ là tiếng Nga, tiếng Trung và tiếng Anh. Nhờ đó, ông có quan hệ tốt với nhiều yếu nhân của thể thao quốc tế, nhiều lần làm Trưởng đoàn thể thao Việt Nam dự các sự kiện thể thao quốc tế và từng được bầu làm phó Chủ tịch Ủy ban Olympic châu Á.
Các VĐV từng chia sẻ rằng có ông đi cùng sẽ tránh được khả năng bị xử ép khi thi đấu quốc tế. Nhiều VĐV tên tuổi như Phương Lan, Thúy Hiền, Duy Kiếm, Thanh Xuân (wushu), Nguyễn Thị Tĩnh, Lan Anh, Chí Đông (điền kinh), Ngân Thương (thể dục)... coi ông là "người cha tinh thần".
Đời thường, ông khá cởi mở, sẵn sàng trao đổi với các đồng nghiệp, HLV, VĐV và báo chí. Ông cũng yêu ca hát với giọng nam trung ấm áp, thuộc nhiều bài hát Việt Nam và quốc tế.
Ông Giang được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động năm 2006.
Sức khoẻ của ông Giang những năm gần đây không tốt, do cùng lúc bị nhiều bệnh liên quan đến tim mạch, tiểu đường... Dù vậy, ông vẫn không ngừng làm việc, và còn đang chuẩn bị cho cuộc họp Ban chấp hành Hội đồng Olympic châu Á (OCA) ngày 13/9.
Nghĩa Phú