Ảnh minh họa: Corbis.com. |
Trước đó, hai người đi khám khắp nơi, chỗ nào cũng khẳng khẳng định cả hai đều bình thường. Dù vậy, họ vẫn áp dụng nhiều phương pháp để mong có con, như uống thuốc bắc, cải thiện chế độ ăn uống, canh ngày rụng trứng... Sau nhiều cố gắng không kết quả, họ quyết định ly dị để mỗi người đi tìm hạnh phúc mới. Song, vì vẫn còn tình cảm nên họ dùng dằng mãi và cuối cùng, trước khi làm thủ tục ly hôn, họ quyết định đi khám lần cuối ở một trung tâm nam học.
Kết quả làm cả hai bất ngờ: tinh trùng của người chồng rất khỏe, nhưng thường vào đến cổ tử cung của vợ là "đột tử" bởi ở đó chứa một kháng thể tiêu diệt tinh binh. Và đó chính là nguyên do khiến họ không thể có con dù "chuyện ấy" rất hòa hợp và "máy móc" của cả hai đều tốt.
Giáo sư Trần Quán Anh, Giám đốc Phòng khám Tiết niệu và Nam học Tâm Anh (phố Lý Nam Đế, Hà Nội) kể lại trường hợp chữa vô sinh cách đây vài năm của mình. Ông cho biết, đây là cặp khá may mắn vì đã tìm được bệnh để chữa khỏi và sau đó có con, sống hạnh phúc. Chị vợ đã được điều trị bằng thuốc giúp thay đổi môi trường cổ tử cung để "hòa hợp" với tinh binh của chồng.
Theo giáo sư, trước đó, có 2-3 cặp từng rơi vào trường hợp này nhưng khám khắp nơi cũng không phát hiện được nguyên nhân, đến khi mỗi người đi tìm cho mình "một nửa" khác thì lại con đàn cháu đống.
Ông cho biết, cơ thể của vợ tiết chất diệt tinh trùng của chồng là một trong những dạng dị ứng tinh dịch. Bình thường, mỗi người có một hệ thống miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể trước sự xâm phạm của các virus, vật lạ gây bệnh. Và cơ thể một số chị em đã coi tinh trùng của chồng là một "virus" lạ và tiết ngay ra chất để tiêu diệt. Những trường hợp này khá hiếm gặp.
Dị ứng tinh dịch cũng có thể gặp trong trường hợp người vợ xuất hiện các biểu hiện dị ứng như ngứa, bỏng rát, nổi mẩn đỏ tại chỗ, nặng hơn có thể có biểu hiện khó thở, nổi mề đay toàn thân... sau mỗi lần "yêu".
Chị Liễu (Từ Liêm, Hà Nội) sau vài lần đi chữa phụ khoa mà không khỏi hẳn nghi ngay cho chồng tội lăng nhăng dù anh vốn tính hiền lành và chẳng đi đêm bao giờ. Chị kể, cứ sau mỗi lần vợ chồng gần gũi là chị lại thấy bỏng rát, ngứa rồi sau đó vùng kín phát ban đỏ ửng lên, dù chị đã vệ sinh rất sạch sẽ.
Chồng chị tất nhiên chối ngay và còn nổi giận bởi sự nghi ngờ vô lý của vợ. Anh còn nêu bằng chứng hùng hồn là mình không hề bị bệnh gì. Cuối cùng, khi cả hai vợ chồng cùng đến khám và tư vấn tại một phòng khám về tình dục và sức khỏe sinh sản trên đường Nguyễn Khánh Toàn, bác sĩ mới cho biết, các biểu hiện của chị không phải bị bệnh phụ khoa mà là bị dị ứng với tinh trùng của chồng.
Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng, phòng khám nam, Viện phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng, giải thích, mỗi phụ nữ có cơ địa và cơ chế bảo vệ khác nhau. Một số chị em có cơ chế bảo vệ rất nghiêm ngặt, đã ngăn chặn ngay hoặc "tỏ thái độ" ngay với các tinh binh của người chồng.
Ở nam giới, tinh trùng, ngoài những đặc điểm chung giống nhau thì mỗi người có những nét riêng, chẳng hạn lớp áo ngoài của màng tinh trùng không được trơn bóng, hay bị "dính" một vật nào đó nên không thể vào bên trong cơ thể người phụ nữ, chúng thậm chí còn bị tấn công quyết liệt (gần giống tình cảnh bạn mặc quần áo quá lôi thôi thì khó vào được những nơi nghiêm trang, thậm chí còi báo động và bạn sẽ bị bảo vệ tống ra ngoài).
Theo ông Hưng, để phát hiện dị ứng tinh dịch không khó, chỉ cần cho tinh dịch của người chồng tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc của người vợ (dưới sự quan sát của nhân viên y tế) thì có thể phát hiện được ngay. Cách khác là làm xét nghiệm dịch lấy ở cổ tử cung người phụ nữ sau giao hợp 6-12 giờ.
Các bác sĩ cho rằng, những cặp vợ chồng khi có trục trặc trong đời sống chăn gối hay có các bệnh liên quan đến đời sống tình dục hoặc vô sinh mà không rõ nguyên thì nên cùng đi khám để được phát hiện sớm, tránh tình trạng nghi ngờ lẫn nhau, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình hay loay hoay chữa không đúng bệnh.
Việc khắc phục cho các đôi trục trặc như vậy kông khó đối với những trường hợp không có nhu cầu có con. Giải pháp đơn giản là sử dụng bao cao su. Các trường hợp muốn có con thì cần điều trị phức tạp hơn. Biện pháp làm thay đổi môi trường âm đạo, dùng các thuốc chống dị ứng, hay phương pháp giải mẫn cảm sẽ giúp phụ nữ "hòa hợp" hơn với con giống của chồng và có thể có con theo cách tự nhiên. Nếu các cách trên không có kết quả, bệnh nhân nên chọn phương pháp thụ tinh nhân tạo bằng cách bơm tinh trùng đã được lọc rửa vào buồng tử cung hoặc bơm trực tiếp vào trứng để thụ thai.
Vương Linh