Và điều này trở thành sự thật. Cô tốt nghiệp thủ khoa cấp ba, theo học tại một trường đại học ưu tú, được nhận vào trường y hàng đầu. Dù vậy, cô phải đánh đổi nhiều điều để tiếp tục con đường học vấn, một trong số đó là việc sinh con.
Marshall hoãn mang thai đến thời điểm sự nghiệp vững vàng. Ở tuổi 34, khi đã sẵn sàng làm điều này, cô bàng hoàng nhận ra mình không thể có con, dù dùng thuốc hỗ trợ sinh sản. Theo Marshall, nguyên nhân nằm ở những ca trực xuyên đêm, hàng giờ làm việc căng thẳng và tình trạng thiếu ngủ. Tất cả ảnh hưởng đến chu kỳ sinh nở.
Khi được nghe câu chuyện từ các đồng nghiệp có hoàn cảnh tương tự, cô biết rằng mình không đơn độc. Nhiều phụ nữ làm việc trong ngành y tế cũng vật lộn với tình trạng hiếm muộn hoặc bị sảy thai.
Thực tế, một cuộc khảo sát về bác sĩ nữ trên Tạp chí Sức khỏe Phụ nữ cho thấy gần một phần tư trong số những người cố gắng có con đã được chẩn đoán vô sinh, gấp đôi so với tỷ lệ trong dân số nói chung.
"Đối với các bác sĩ như tôi, mọi thứ đều phải lên kế hoạch trước. Nhiều người quyết định đợi đến khi hoàn thành khóa đào tạo, độc lập về tài chính rồi mới có con, tức là phải đến giữa hoặc cuối độ tuổi 30", bác sĩ Marshall chia sẻ.
Để nâng cao nhận thức về vấn đề này, cô cùng Hiệp hội Phụ nữ Y khoa Mỹ thành lập nhóm hỗ trợ người vô sinh. Tháng 6, hiệp hội tổ chức hội nghị về khả năng sinh sản của bác sĩ nữ lần đầu tiên, với các buổi thảo luận liên quan đến trữ đông trứng, quyền lợi và bảo hiểm điều trị hiếm muộn, vô sinh và sức khỏe tâm lý của bác sĩ nữ.
Tỷ lệ vô sinh cũng cao ở các bác sĩ phẫu thuật. Cuộc khảo sát với 692 bác sĩ được công bố trên tạp chí JAMA Surgery hồi tháng 7 cho thấy 42% đã sảy thai, cao gấp đôi tỷ lệ trung bình. Gần một nửa trải qua biến chứng thai kỳ.
Giống với đồng nghiệp nữ khác, nhiều bác sĩ phẫu thuật trì hoãn mang thai đến khi kết thúc kỳ nội trú. Quyết định này dễ khiến họ bị vô sinh hoặc gặp vấn đề sức khỏe sinh sản sau này.
Thông thường, bác sĩ phải học tổng cộng 10 năm trường y, nội trú và nghiên cứu sinh. Độ tuổi trung bình họ hoàn thành khóa đào tạo y tế là 31, hầu hết có con lần đầu ở tuổi 32, theo một nghiên cứu năm 2021. Trong khi đó, độ tuổi trung bình mắc chứng vô sinh là 27.
Thông qua mạng xã hội, Marshall kết nối với hai nữ đồng nghiệp khác cũng phải vật lộn với căn bệnh này. Năm ngoái, họ chia sẻ vấn đề của mình trên Tạp chí Academic Medicine, kêu gọi giáo dục nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản cho nữ bác sĩ, bắt đầu từ bậc đại học. Họ cũng đề xuất cung cấp bảo hiểm, lựa chọn tiếp cận, khám sàng lọc và đánh giá khả năng sinh sản, hỗ trợ điều trị cho người hiếm muộn.
Trong suốt một năm, Arghavan Salles, hiện 41 tuổi, cố gắng đông lạnh trứng, song thất bại. Bác sĩ phẫu thuật tại trường y của Stanford phải vật lộn với chi phí cao, mỗi lần thử có thể lên tới 15.000 USD. Cô đang tìm hiểu về thụ tinh nhân tạo theo phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), chi phí hợp lý song khả năng thành công thấp hơn.
Năm 2019, cô viết bài luận trên tờ Times về cái giá của việc nỗ lực trở thành bác sĩ phẫu thuật trong độ tuổi phù hợp nhất để sinh nở. Giờ đây, cô nhận ra có thể đã quá muộn để mang thai. Nhiều bác sĩ nữ sau đó liên lạc với Salles, chia sẻ về trải nghiệm tương tự.
"Tất cả họ đều thấy cô đơn. Họ tự mình trải qua khoảng thăng trầm để đối phó với tình trạng vô sinh, vì đây là điều khó chia sẻ. Chúng ta cần thay đổi văn hoá ở trường y và cơ sở nội trú, cần nỗ lực hơn nữa nhằm kêu gọi các nhà lãnh đạo giải quyết vấn đề này", Salles nhận định.
Tình trạng thiếu ngủ, ăn uống thất thường và ít vận động, vốn là đặc thù đào tạo của ngành y, gây ảnh hưởng đến những phụ nữ muốn mang thai. Ngay cả việc tìm một người bạn đời cũng là thách thức, phần vì thời gian biểu khắt khe, đòi hỏi y bác sĩ phải làm việc cả nửa đêm và cuối tuần.
"Bạn dành nhiều thời gian trong bệnh viện và không nghĩ mình bị vô sinh. Người ta có thể nhìn lại và bảo ‘Lẽ ra mình nên đông lạnh trứng vào những năm đầu của tuổi 20’, nhưng công nghệ lúc đó chưa phát triển. Trên các bản tin, chúng tôi thấy người nổi tiếng có con khi đã cao tuổi và tưởng rằng mọi thứ thật dễ dàng, nhưng hóa ra không phải vậy. Giờ đây, chúng tôi nhận ra mình không thể kiểm soát được cuộc sống của bản thân", bác sĩ Salles nói.
Tiến sĩ Vineet Arora, trưởng khoa giáo dục y tế Trường Y Pritzker của Đại học Chicago, cho rằng nữ bác sĩ quá đơn độc trong cuộc chiến với căn bệnh vô sinh. Trong khi dữ liệu thực tế cho thấy tình trạng này khá phổ biến.
Ở tuổi 40, bà Arora phải thụ tinh trong ống nghiệm nhiều lần, cuối cùng đón con thứ hai vào tháng 3 năm ngoái. Bà và bác sĩ Salles đang cùng phân tích dữ liệu trong nghiên cứu lớn với bác sĩ và sinh viên y khoa về kinh nghiệm xây dựng gia đình cũng như tiếp cận điều trị vô sinh.
Các nữ bác sĩ nội trú cũng thường có sức khỏe sinh sản kém. Nhiều người chuyển dạ sớm hoặc sảy thai do làm việc căng thẳng nhiều giờ. Dù đang có bầu, họ đôi khi vẫn phải trực 28 tiếng, không ngủ.
Đối với nữ bác sĩ có con nhỏ, việc đơn giản như tìm nơi riêng tư để hút sữa cũng là thách thức. Một người thậm chí phải ngồi sau chậu cây ở khu vực đông người qua lại để làm điều này. Tiến sĩ Roberta Gebhard, cựu chủ tịch của Hiệp hội Phụ nữ Y khoa Mỹ mong rằng mọi thứ sẽ thay đổi trong tương lai, bởi hơn 50% tổng số sinh viên trường y hiện nay là phụ nữ.
Thục Linh (Theo NY Times)