- Là VĐV đạt thành tích quốc tế đáng kể nhất khi giành vé dự Olympic Tokyo và về nhì trong cuộc bầu chọn VĐV tiêu biểu Việt Nam 2020, anh đón Tết vừa qua thế nào?
- Covid-19 khiến mọi thứ bớt đặc biệt. Tôi rời Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia ở TP HCM hôm 30/1 về Bắc Giang kèm theo yêu cầu từ ban huấn luyện là hạn chế đi lại. Đó là khuyến cáo chung cho mọi VĐV rồi. Bởi thế, tôi chỉ quanh quẩn ăn tập ở nhà. Sau khi trở lại hội quân tối 21/2, chúng tôi làm các thủ tục y tế rồi bắt tay vào tập luyện. Nhưng cũng chỉ tập chay thôi, chứ không biết đến khi nào mới được thượng đài.
- Tức là trong năm 2021, các anh chưa có kế hoạch thi đấu cụ thể nào?
- Về lý thuyết, Olympic được tổ chức trong năm nay nên tôi vẫn phải chuẩn bị. Nhưng thú thực, chuẩn bị về tinh thần thôi. Giáo án tập luyện thì ban huấn luyện đã điều chỉnh, nhưng mục tiêu chỉ nhắm cho các giải trong nước, chứ không phải quốc tế nữa. Năm nay, chỉ có Cúp các CLB toàn quốc vào tháng 4 và Vô địch Quốc gia tháng 9. Nhưng với tình hình Covid-19 như hiện tại, cũng không biết có thể tổ chức được hay không. Đối với các võ sĩ như chúng tôi, chỉ tập luyện mà không được lên đài đấm thì stress lắm.
Cá nhân tôi, Covid-19 quả thực tai hại. Vài ngày nữa là tròn một năm tôi hạ Chatchai Decha Butdee ở tứ kết hạng hạng 57kg, để trả món nợ ở chung kết SEA Games và trở thành võ sĩ boxing Việt Nam đầu tiên sau hơn ba thập kỷ được dự Olympic - kể từ thời của đàn anh Đặng Hiếu Hiền ở Olympic Seoul 1988. Trở về từ Jordan hồi tháng 3/2020, tôi phấn chấn vô cùng, lúc nào cũng mong ngóng đến ngày được thượng đài ở Thế vận hội. Nhưng rồi, Olympic bị hoãn. Tôi hẫng hụt vô cùng. Ai cũng nghĩ võ sĩ phải mang thần kinh thép. Nhưng giai đoạn đó, tinh thần tôi xuống kinh khủng. Cảm giác thật khó diễn tả bằng lời.
- Bây giờ một ngày của Văn Đương diễn ra thế nào?
- Tôi tập luyện cùng 10 võ sĩ của đội tuyển ở TP HCM. Một ngày của chúng tôi bắt đầu từ 5h30 bằng các bài tập thể lực như chạy dài 10 kilomet hoặc 12 kilomet, rồi chạy ngắn tốc độ 100 mét hay 200 mét. Sau đó chúng tôi đấm bao, từ sáu đến tám hiệp, mỗi hiệp kéo dài ba phút. Buổi sáng thường kết thúc lúc 8h với phần đấm gió, tập bổ trợ cơ bụng, chống đẩy. Buổi chiều, chúng tôi tập từ 15h đến 18h, thiên về kỹ - chiến thuật. Sau khi đấm gió, chúng tôi vào đấm đôi, từ đấm đôi kỹ thuật đến đấm đôi tự do. Cuối buổi là đấm bao và tập bổ trợ. Ngày nào cũng vậy.
Ai tập môn đối kháng này sẽ hiểu mệt mỏi thế nào. Bình thường, sau khi tập chúng tôi có thể ra ngoài uống cafe, trò chuyện để xả stress. Nhưng vì Covid-19, chúng tôi quanh quẩn cả mấy tháng trong Trung tâm nên rất buồn bực. Việc chỉ tập luyện mà không được thi đấu càng khiến chúng tôi bí bách. Với những môn đối kháng mạnh như boxing, võ sĩ rất cần lên sàn, có những trận chiến thực sự. Nó không chỉ giúp cải thiện phong độ mà còn giải tỏa về tinh thần và tạo ra thu nhập nữa.
- Vậy thu nhập thực tế của Văn Đương ra sao?
- Vì vòng đấu loại Olympic không nằm trong hệ thống tính thưởng của Tổng cục TDTT và địa phương nên cơ bản tôi không được gì. Năm ngoái, nhờ tranh tài ở hai giải thuộc hệ thống tính thưởng của địa phương, tôi kiếm thêm được 21 triệu đồng (15 triệu cho HC vàng Vô địch Quốc gia và sáu triệu cho HC vàng Cup Quốc gia). Tôi may mắn vẫn được nhận lương của địa phương và đội tuyển. Nhưng thú thực, cũng chỉ đủ ăn. Với VĐV như chúng tôi phải thi đấu và đạt thành tích mới có thu nhập. May mà tôi chưa lập gia đình, chưa phải lo cho vợ con nên không túng thiếu.
Lâm Thỏa