Kinh tế gia đình khó khăn nên tôi phải đi làm ăn xa nhà. Dạo này tôi thấy vợ có nhiều dấu hiệu đáng ngờ lắm. Từ lúc đi làm, cô ấy có những thay đổi lớn như quan tâm đến sắc đẹp hơn, mua sắm điện thoại xịn, mua xe tay ga mặc dù hoàn cảnh gia đình bây giờ rất khó khăn.
Vợ thường kể có nhiều ông khách hàng theo đuổi. Đôi lúc cô ấy nhờ tôi chở tới công ty khách hàng nhưng lại bảo tôi tránh đi hoặc giới thiệu là đồng nghiệp để họ không biết tôi là chồng. Rồi khi ra đường, ai cô ấy cũng làm quen được, từ ông tài xế đến những người xa lạ. Không biết cô ấy nói gì mà họ cứ điện thoại, nhắn tin tán tỉnh, nhưng lúc nào có điện thoại hoặc tin nhắn là xóa ngay. Tôi hỏi thì vợ bảo là do tôi ghen quá, sợ tôi khổ tâm nên không muốn lưu lại.
Tôi rất thương vợ và không muốn 2 đứa con bơ vơ nhưng nghĩ đến cảnh vợ mình đi với người này, người kia là tôi không chịu được. Hai người ngồi lại với nhau mà nói đến vấn đề đó là cãi lộn quyết liệt, vợ nói tôi xem thường cô ấy. Mỗi khi cãi vã, cô ấy nói là chúng tôi không hợp, đòi chia tay măc dù cũng rất thương con. Có phải cô ấy đã ngoại tình và hết thương tôi rồi không? Tôi có nên theo dõi để tìm ra bằng chứng cô ấy ngoại tình không?
Bây giờ tôi đang khổ tâm lắm, tôi xin tòa soạn tư vấn giúp tôi để tôi tìm ra một lối thoát. Xin cám ơn! - (Hải).
Trả lời:
Chào bạn Hải,
Đọc thư của bạn, trong đầu tôi chợt xuất hiện 2 khổ trong bài thơ “Ghen” của Nguyễn Bính như sau:
"Tôi muốn mùi thơm của nước hoa
Mà cô thường xức chẳng bay xa
Chẳng làm ngây ngất người qua lại
Dẫu chỉ qua đường, khách lại qua
….
Tôi muốn làn hơi cô thở nhẹ
Đừng làm ẩm áo khách chưa quen
Chân cô in vết trên đường bụi
Chẳng bước chân nào được dẫm lên"…
Dù vậy, nhưng tôi rất thông cảm với những suy nghĩ và trăn trở của bạn trong tình cảnh hiện nay. Trong thư, tôi không thấy bạn kể vợ mình đang làm công việc gì. Tuy nhiên qua một số chi tiết có thể biết được rằng vợ bạn đang làm một công việc đòi hỏi có sự giao tiếp thường xuyên với các khách hàng.
Bạn Hải mến, thử đặt mình vào vai trò khách hàng của vợ bạn nhé. Khi bạn có việc cần giao tiếp, bàn bạc hoặc ký kết hợp tác làm ăn với một công ty nào đó, bạn có mong muốn được tiếp xúc với người đại diện công ty có một hình thức bề ngoài lịch sự, dễ nhìn, nói chuyện một cách cuốn hút, mang tính thuyết phục không? Đặc biệt nếu đó là một phụ nữ mang thêm tí duyên dáng của nữ giới nữa thì bạn cảm thấy thế nào? Rõ ràng một người như vậy sẽ tạo ra một không khí nhẹ nhàng ít căng thẳng hơn trong việc trao đổi bàn bạc công việc phải không bạn?
Còn về việc mua sắm điện thoại xịn, xe tay ga, chăm chút giữ gìn sắc đẹp... của cô ấy có thể là những khoản đầu tư ban đầu để tạo ra hình ảnh một người thành đạt trong công việc, dễ tạo ra niềm tin nơi đối tác. Nhất là trong xã hội Việt Nam ngày nay, còn nặng việc đánh giá con người qua bề ngoài sẽ giúp cho công việc của cô ây dễ dàng hơn và có hiệu quả hơn. Nếu bạn nhìn mọi việc dưới góc cạnh này, rõ ràng mọi chuyện sẽ đơn giản và sẽ bớt căng thẳng hơn.
Tuy nhiên, mọi việc đều phải ở một mức độ giới hạn phải không? Mà cái giới hạn đó như thế nào lại là việc cần thống nhất giữa hai vợ chồng bạn. Hai vợ chồng hãy ngồi xuống, trao đổi về giới hạn đó theo quan điểm của mỗi người để cả hai có thể đưa ra một mức độ phù hợp với mong muốn của cả hai bên.
Điều quan trọng là khi bắt đầu cuộc đối thoại, cả hai đều phải chuẩn bị cho mình một suy nghĩ tích cực, tâm lý nhẹ nhàng, luôn muốn hiểu rõ điều người kia nói, tôn trọng lẫn nhau, một thái độ biết lắng nghe và thấu hiểu thật lòng. Đừng mang vào cuộc trao đổi này một sự căng thẳng, ngờ vực lẫn nhau (vấn nạn mà cả hai bạn đang vướng phải), một thái độ bực dọc và một tâm lý chỉ có mình là chân lý. Đặc biệt đừng dùng những ngôn từ, lời lẽ xúc phạm làm tổn thương đến nhau.
Sau cuộc nói chuyện, nếu cần, cả hai có thể đưa ra một “tuyên bố chung” về những điều cần làm và không nên làm trong giao tiếp, ứng xử và sinh hoạt hàng ngày.
Đọc thư của bạn, tôi thấy cả hai vợ chồng đều còn thương yêu nhau, quan tâm đến con cái rất nhiều và không mong muốn sự chia tay. Đó chính là nền tảng cơ bản cần thiết cho một cuộc đối thoại tốt đẹp. Vấn đề cốt lõi mà hai bạn đang gặp phải đó chính là sự nghi ngờ tiềm tàng trong lòng mỗi người. Bạn thì bắt đầu suy nghĩ tiêu cực “Phải chăng vợ mình bắt đầu ngoại tình”. Còn vợ lại cho rằng “Chồng mình ghen quá, thế nên càng cố gắng đừng để anh ấy biết quá nhiều chuyện thì càng tốt”.
Chính những suy nghĩ như vậy đã phá hỏng các cuộc đối thoại giữa bạn và vợ bạn, biến những cuộc đối thoại lẽ ra cần thẳng thẳn, chân tình, cỏi mở thành cuộc cãi vã, chì chiết giấu diếm và làm tổn thương nhau.
Bạn Hải thân mến, cuộc sống ngày hôm nay quá khó khăn, một điểm cộng rất lớn cho bạn và vợ bạn là cả hai đang cố gắng nỗ lực bươn chải để giúp gia đình có thể trụ vững, vượt qua được giai đoạn khó khăn này. Công việc bên ngoài đã quá căng thẳng, đừng để điều này tác động vào những giây phút hiếm hoi khi vợ chồng được ở bên nhau. Hãy giành cho nhau sự yêu thương, thấu hiểu và quan tâm giúp đỡ nhau thay vì những nghi ngờ, cãi vã, dò xét lẫn nhau bạn ạ. Với người phụ nữ, sự nghi ngờ lòng chung thủy của người chồng là một sự xúc phạm rất lớn đến lòng tự trọng của họ.
Hãy tin, hãy yêu và hãy chia sẻ cùng nhau những buồn vui cuộc sống với sự chân tình cùng thái độ đúng mực bạn nhé. Làm được như thế, chắc chắn bạn và vợ bạn sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn này. Chúc gia đình bạn mau chóng tìm lại đươc những phút giây hạnh phúc từng có bạn nhé!
Chuyên viên tư vấn Phạm Phúc Thịnh
Trung tâm tư vấn Nhịp Cầu Hạnh Phúc