Theo luật sư Lê Trung Phát (Giám đốc hãng luật Lê Trung Phát), cô gái ý thức rất rõ việc giả vờ tự tử là cách để thu hút người khác và để họ thương cảm, hỗ trợ tiền.
Hành vi của cô gái là gian dối, nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác, nên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính 2-3 triệu đồng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021 của Chính phủ.
Nếu quá trình điều tra xác định, cô đã nhận tiền của người đi đường từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu thì có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự; khung hình phạt từ phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Không đồng tình với quan điểm của luật sư Phát, tiến sĩ Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật Hình sự, Đại học Luật TP HCM) cho rằng rất khó xử lý hình sự cô gái, bởi người đi đường đã tự nguyện cho tiền. Việc cô này dàn cảnh là nhằm kêu gọi lòng thương cảm của người khác chứ không nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của họ.
"Chỉ khi nào cô ấy kêu gọi lòng từ thiện của người khác mới bị xem xét tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản do đã dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản", ông Tuấn phân tích.
Do đó, theo tiến sĩ Tuấn, trường hợp này không xử lý hình sự được thì cũng khó có thể xử phạt vi phạm hành chính.
Ngân Nga