Lễ truy điệu Phan Nhân diễn ra lúc 6h30 ngày 2/7 tại Nhà tang lễ TP HCM. Đông đảo bạn bè, đồng nghiệp đến thắp hương tiễn biệt nhạc sĩ lần cuối.
Giây phút cuối của lễ truy điệu, trong khi đồng nghiệp rưng rưng đi quanh linh cữu tạm biệt Phan Nhân, nghệ sĩ Phi Điểu đứng bên quan tài chồng, tay bám chặt vào thành bàn, đôi vai gầy rung lên, môi mím chặt cố kìm nước mắt. Chỉ đến khi đón nhận những vòng tay xiết chặt và tiếng khóc nức nở của bạn bè, bà mới bật khóc. Suốt những ngày qua, bà giữ thái độ bình tĩnh để chu toàn cho tang ma của chồng.
Nghệ sĩ Phi Điểu mặc áo dài trắng, trên tay bà là chiếc gậy yêu thích của chồng khi còn sống. Đây là món quà nhạc sĩ Thanh Tùng tặng Phan Nhân. Trong một lần chống gậy đi chơi, ông sơ ý đánh mất. Nghệ sĩ Phi Điểu đã phải dò hỏi khắp nơi để mua một chiếc tương tự. "Phan Nhân thích lắm, khi vào viện cũng đòi mang gậy theo", bà nói. Chiếc gậy được vợ nghệ sĩ cầm theo lúc di quan ông đến nơi hỏa táng, sau đó sẽ mang về đặt cạnh bàn thờ nhạc sĩ tại tư gia.
Đích thân nghệ sĩ Phi Điểu chuẩn bị bữa cơm cuối trong lễ di quan với những món ăn mà chồng bà yêu thích, trong mâm cơm không quên kèm tách cà phê sữa nóng như mọi khi. "Tôi chăm ông ấy gần hai tháng trong viện, đã dặn là khi nào cảm thấy gần đi, nhớ nhắc tôi. Vậy mà lừa lúc tôi vắng mặt, ông ấy ra đi liền. Chơi gì kỳ lạ, đã hứa với nhau rồi", nghệ sĩ chia sẻ trong tiếng nghẹn. Bạn bè an ủi bà, Phan Nhân sợ vợ đau buồn khi chứng kiến cái chết của ông nên gắng gượng đến lúc bà vắng mặt mới ra đi.
Ca sĩ Ngọc Ánh cho biết chứng kiến sự mạnh mẽ của nghệ sĩ Phi Điểu, nghĩ đến cuộc tình bền chặt của vợ chồng bà, chị xúc động chỉ biết khóc để chia sẻ. Trong suốt thời gian ở viện, nghệ sĩ Phi Điểu, vợ nhạc sĩ luôn ở bên chăm sóc sức khỏe cho chồng. Tình cảm của ông bà qua hơn 60 năm gắn bó nhận được sự ngưỡng mộ của nhiều bạn bè, đồng nghiệp.
Tại lễ truy điệu, ông Tất Thành Cang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP HCM mở đầu buổi lễ với bài điếu văn khái quát toàn bộ quá trình hoạt động, cống hiến của cố nhạc sĩ cũng như đề cao tính cách chân thành, cởi mở của ông. "Là người chiến sĩ, nghệ sĩ, những sáng tác của nhạc sĩ Phan Nhân là động lực, là tinh thần thôi thúc cán bộ, chiến sĩ và nhân dân... Những năm tháng khó khăn trên khắp các chiến trường bom đạn, những ngày Hà Nội đỏ lửa, hay những cuộc mưu sinh sau ngày giải phóng không làm lay chuyển trái tim yêu đời, yêu người, yêu cách mạng của người Đảng viên, nhạc sĩ tài ba", điếu văn viết. Người chủ trì tang lễ cũng không quên nhắc đến sự hy sinh của vợ nhạc sĩ Phan Nhân - nghệ sĩ Phi Điểu - trong cuộc sống cũng như sự nghiệp sáng tác của ông.
Con trai nhạc sĩ thay mặt gia đình nói lời tiễn biệt cha. Anh cho biết dù đau buồn, thương tiếc, gia đình thấy mãn nguyện vì cha anh đã ra đi thanh thản trong tình yêu thương, sự quan tâm của bạn bè, đồng nghiệp.
Hơn 7h sáng, đoàn xe rời khỏi Nhà tang lễ TP HCM để di chuyển đến nơi hỏa táng. Trên xe vang lên giai điệu hùng tráng của ca khúc Hà Nội niềm tin và hy vọng. Xe chở linh cữu nhạc sĩ dừng lại khá lâu trước căn nhà của ông trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP HCM. Lễ hỏa thiêu diễn ra tại Bình Hưng Hòa. Tro cốt nhạc sĩ sau đó được thờ tại chùa Hải Tuệ (quận 3) theo di nguyện của ông.
Nhạc sĩ Phan Nhân từ trần sáng 29/6 tại nhà riêng sau nhiều ngày điều trị bệnh tim, phổi. Ông tên thật là Liêu Nguyễn Phan Nhân, sinh ngày 15/5/1930 tại Bình Đức, Long Xuyên, An Giang. Nhạc sĩ tham gia quân đội từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, hoạt động nhiều năm trong đoàn văn công giải phóng. Sau ngày đất nước thống nhất, Phan Nhân về công tác tại phòng Văn nghệ Đài Phát thanh Giải phóng rồi về Đài Tiếng nói Việt Nam II tại TP HCM cho đến khi nghỉ hưu. Ông là tác giả của nhiều ca khúc cách mạng nổi tiếng như Hà Nội niềm tin và hy vọng, Tình ca đất nước, Nhớ về Pắc Bó...
Châu Mỹ