Chiều 15/6, Nguil, 32 tuổi, ngồi lặng trước hiên nhà nằm sâu trong rẫy cà phê xã Cư Pơng, huyện Krông Buk, cách hiện trường vụ tấn công trụ sở UBND xã Ea Tiêu và Ea Ktur (huyện Cư Kuin) khoảng 50 km. Nhắc đến chồng - nghi phạm Y Pheo Niê (31 tuổi, đã ra đầu thú), nước mắt chị lăn dài.
Vợ chồng Nguil kết hôn năm 2009. Được cha mẹ cho mấy sào rẫy cà phê, họ chăm chỉ lao động nuôi hai con (10 và 12 tuổi) ăn học. Khi mùa vụ kết thúc, cả hai phải đi làm cỏ thuê, bốc vác hoặc phụ hồ kiếm khoảng 120.000 đồng mỗi ngày, trang trải cuộc sống. Kinh tế gia đình trong diện khó khăn, được chính quyền hỗ trợ xây cho căn nhà cấp 4.
Hai tuần trước, Nguil bệnh nên ở nhà trông con, chỉ Pheo đi làm. Thời gian này chị thỉnh thoảng thấy chồng tụ tập cùng một nhóm người nhưng không biết họ nói chuyện gì. Trước lúc xảy ra vụ tấn công hai trụ sở ủy ban xã, Pheo bỏ nhà đi nhiều ngày không về.
"Tôi muốn hỏi thăm nhưng không biết phải làm sao, vì hai vợ chồng chỉ có một điện thoại và anh ấy đã mang theo", Nguil nói.
Ngày 11/6, Nguil gặp một số đồng bào người Ê đê trong khu vực, hay tin nhiều người bị giết khi hai trụ sở xã bị tấn công. Mọi người chuyền tay nhau xem video trên mạng, chị nhận ra Pheo có mặt cùng nhóm đàn ông cầm súng, hung khí. "Tôi sợ quá, báo chính quyền xã và tìm mọi cách liên lạc Pheo nhưng không được. Cả gia đình đứng ngồi không yên", chị kể.
Tối 12/6, Pheo bất ngờ về nhà, run rẩy, co ro trong góc nhà. "Anh ấy nói đã biết cái sai của mình. Sau vụ việc bị truy bắt nên trốn vào rẫy của người dân, đói thì đào củ rừng ăn, chui vào thùng rác ngủ", Nguil cho biết, thêm rằng suốt đêm đó chồng nói nhiều về việc bị lôi kéo theo nhóm nghi phạm, nếu không tham gia "sẽ bị bắn cả nhà".
Nguil động viên, khuyên chồng ra đầu thú, chuộc lại lỗi lầm. Đến sáng, cả hai liên hệ công an xã, ra trình diện. "Anh ấy nắm tay tôi, bảo mong nhận được sự khoan hồng, sớm về với vợ con".
Bước đầu, cơ quan chức năng xác định, tại xã Cư Pơng, huyện Krông Buk, có đến 28 người tham gia vụ án tấn công. 4 người ra đầu thú, còn lại đã bị bắt.
Cách nhà H Nguil Ayui không xa, gia đình chị H Bruinh Kbuôr (26 tuổi) có 3 người tham gia vụ án là: Y Khuik Agun (27 tuổi, chồng Kbuôr) và hai anh rể. Sự việc được gia đình phát hiện khi xem video nhóm người trang bị súng, dao, mặc đồ rằn ri... "Cả nhà nhận ra chồng tôi và một người anh. Họ đã bỏ đi trước đó nhiều ngày, không liên lạc được. Thấy những người này cầm súng chúng tôi rất sợ", Bruinh kể.
Trước đó, Bruinh thấy chồng và hai anh rể hòa thuận, trò chuyện vui vẻ như thường ngày, không có dấu hiệu nghi vấn. "Trưa hôm thứ bảy - trước một ngày xảy ra vụ việc, anh ấy bảo đi cạo mủ cho người ta rồi đi luôn đến giờ", Bruinh nhớ lại.
Nghi ngờ chồng mình phạm tội như những thanh niên trong buôn làng đã bị bắt, chị báo công an xã để xác minh. Sau đó, một người anh rể đã ra đầu thú, nhưng chị đợi mãi không thấy tin tức của chồng. Đến chiều 14/6, chị nhận được điện thoại số máy lạ, giọng Khuik nói "đi đón anh về đầu thú".
"Tôi chẳng biết làm gì, chỉ động viên chồng rồi nhờ công an xã đưa anh ấy về. Đến giờ tôi cũng chưa gặp được anh, không biết những ngày qua anh sống ra sao", Bruinh ôm hai con, khóc.
Trả lời VnExpress, ông Y Nhất Kpă, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pơng, cho biết lực lượng chức năng đã thành lập các tổ công tác, đến từng nhà người tham gia vụ tấn công để tuyên truyền, vận động ra đầu thú. Những trường hợp gia đình có liên hệ được người thân, họ thuyết phục chồng, con mình ra trình diện.
"Đa số họ đều hiền lành, thường tham gia hoạt động thể thao ở địa phương. Chúng tôi rất bất ngờ khi họ tham gia những hành vi man rợ như vậy", ông Nhất nói.
Vụ tấn công xảy ra rạng sáng 11/6 khi hai nhóm với hàng chục người xông vào trụ sở UBND xã Ea Ktur và Ea Tiêu (cách nhau gần 4 km). Đám đông đập vỡ cửa kính, dùng súng và vũ khí thô sơ tấn công khiến 4 công an xã, 2 cán bộ xã, 3 người dân tử vong; 2 công an bị thương. Trong đó, Bí thư xã Ea Ktur, Chủ tịch xã Ea Tiêu khi nhận được tin báo đã ngay lập tức đến hiện trường và bị sát hại dọc đường đi vào trụ sở.
Trước đó, chúng đột nhập Lữ đoàn đặc công 198 đóng tại xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, để cướp vũ khí. Nhưng thấy có người mở cửa, bật điện sáng nên nhóm này sợ bại lộ, rút lui.
Bộ Công an nhận định đây là hành vi "rất manh động, liều lĩnh, mất nhân tính". Các nghi phạm khai "nhận được chỉ đạo nếu gặp cán bộ và công an xã thì giết chết, cướp tài sản, súng đạn". Trong ba con tin, một người tự giải thoát, hai người được giải thoát sau đó.
Y Thô Ayun, 35 tuổi, được xem là một trong những nghi phạm cầm đầu, khai đã tuyên truyền, kích động một số người dân các buôn làng ở tỉnh Đăk Lăk tham gia gây mất an ninh trật tự, dùng súng tấn công hai trụ sở ủy ban. Hắn ta nói chỉ lôi kéo "những ai thấy tin tưởng", còn lại đa số người dân khác, không dám dụ dỗ, kích động.
Hiện, cảnh sát đã bắt hơn 50 nghi phạm, trong đó có hầu hết người cầm đầu, thu nhiều vũ khí quân dụng. Phần lớn các nghi phạm còn rất trẻ, đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số ở Đăk Lăk. Họ khai bị lôi kéo, xúi giục, kích động với "suy nghĩ ảo tưởng sẽ được đưa ra nước ngoài".
Quốc Thắng - Trần Hóa