"Không còn giấc mơ Mỹ nữa", Saudy Palacios, người Venezuela, 27 tuổi, nói về hành trình tới Mỹ cùng chồng và cậu con trai 11 tuổi. "Không còn hy vọng. Không còn giấc mơ. Không còn gì cả".
Palacios đã chờ chín tháng ở Panama để đặt lịch hẹn phỏng vấn với giới chức nhập cư Mỹ, hy vọng họ có thể cấp giấy phép nhân đạo để cô vào Mỹ một cách hợp pháp. Nhưng Tổng thống Donald Trump nhậm chức ngày 20/1 và hủy mọi cuộc hẹn phỏng vấn xin tị nạn, tuyên bố trục xuất hàng loạt người nhập cư trái phép.

Người di cư Venezuela từ Mỹ trên thuyền tới đảo Carti, Panama, ngày 24/2 trong hành trình trở về quê hương. Ảnh: AFP
Cô hôm 24/2 lên thuyền từ đảo Carti, ngoài khơi Panama, thực hiện hành trình dài 12 tiếng đến một cảng ở Colombia, rồi từ đó tìm đường trở về Venezuela. Hàng trăm người di cư những ngày gần đây đang lũ lượt tìm đường về quê như Palacios, khi giấc mộng đổi đời ở Mỹ tiêu tan dưới thời ông Trump.
Đi thuyền giúp họ né các trạm kiểm soát di cư và hành trình gian khổ trèo đèo lội suối qua khu vực rừng núi hiểm trở Darien Gap giữa Trung và Nam Mỹ. Tuy nhiên, trở về bằng đường biển cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một bé gái Venezuela 8 tuổi đã thiệt mạng vì đắm thuyền ngày 21/2.
Gia đình Palacios đã chi hơn 2.000 USD cho hành trình trở về, phải nhờ vả người thân ở Venezuela gửi 250 USD trả tiền đi thuyền.
Đa số người di cư quay về từ Mexico, trong tình cảnh không có giấy tờ tùy thân và lâm cảnh nợ nần với các khoản chi 5.000-10.000 USD cho những chuyến đi tới Mỹ bất thành.
Họ ngủ ở những nơi tạm bợ hoặc vạ vật trên đường phố, ôm bụng đói bán kẹo ở các ngã tư kiếm tiền tàu xe hồi hương.
Vài ngày trước, khi Astrid Zapata cùng chồng, con gái 4 tuổi và anh họ từ Mexico đến nơi ở tạm cho người di cư ở thủ đô San Jose, Costa Rica, cô lập tức treo cờ Venezuela lên chỗ ngủ.
"Bây giờ ở Mỹ không còn tương lai. Nhưng tôi rất sợ. Quay về bằng đường rừng quá gian khổ. Một người mẹ đã mất hai đứa con ở đó. Tôi đã chứng kiến hai đứa trẻ chết đuối dưới sông", cô nói.

Người di cư Venezuela chờ thuyền từ Panama tới Colombia ngày 24/2. Ảnh: AFP
Karla Pena là một trong số 300.000 người di cư đã vượt sông Darien năm 2024, cùng với đứa con hai tuổi, vợ chồng con gái và cháu ngoại.
Hành trình này "là trải nghiệm khó khăn nhất trong đời tôi", người phụ nữ Venezuela 37 tuổi nói tại một nơi ở tạm dành cho người di cư tại thủ đô Tegucigalpa, Honduras, sau khi từ Mexico tới đây.
"Về nước thật gian khổ. Chúng tôi phải di chuyển từ nước này sang nước khác, không có hộ chiếu, mà hành trình đi qua rừng rậm hay đi thuyền biển đang chờ phía trước", cô nói.
Maria Aguillon rời nhà ở một thị trấn nhỏ ở miền nam Ecuador hồi tháng 12/2024 cùng chồng, ba đứa con và ba đứa cháu để tìm đường tới Mỹ.
"Chúng tôi phải rời bỏ quê hương vì chết chóc khắp nơi. Tôi đã mất một đứa con trai", bà nói trong nơi ở tạm tại San Jose.

Người di cư Venezuela chuẩn bị cơm trưa tại đảo Carti, Panama, trong lúc chờ được đưa tới Colombia ngày 24/2. Ảnh: AFP
Họ đi từ Colombia, vượt sông Darien nhưng chồng bà bị chặn lại và bị trục xuất khỏi Panama. Do đó, bà tiếp tục đi mà không có chồng, với hy vọng đoàn tụ với hai con đang ở Mỹ. Người phụ nữ 48 tuổi này đang cố tìm việc làm ở Costa Rica.
Yaniret Morales, người mẹ 38 tuổi đang ở Tegucigalpa, cho hay "đang bắt đầu lại từ đầu". Cô quyết định cùng con gái 10 tuổi quay về Venezuela "để tiết kiệm tiền và di cư đến một quốc gia khác" không phải Mỹ.
Chính phủ các nước Trung Mỹ cho hay đang giúp người di cư hồi hương nhưng quá trình rất phức tạp. Panama và Costa Rica đang giam giữ người di cư trong các nơi ở tạm tại khu vực biên giới xa xôi.
"Họ cam kết sẽ tổ chức chuyến bay nhân đạo nhưng không có gì cả. Toàn là lời dối trá", Palacios nói. "Chúng tôi đang hồi hương, đem theo giấc mộng tan vỡ".
Hồng Hạnh (Theo AFP)