Năm thứ 6 làm dâu, Xuân vẫn ám ảnh mỗi lần về quê vì những lời nhận xét "phụ nữ gò má cao, không dùng dao cũng sát chồng". Cô cao 1,55 m, nặng 50 kg, béo bụng, béo đùi nhưng mặt hốc hác, gò má nhô cao. Vì thế, khi bạn bè giới thiệu một spa để tiêm filler (chất làm đầy) hai gò má giá 30 triệu đồng kèm thuốc, sản phẩm bổ sung thêm 20 triệu đồng, cô "liều bỏ ra số tiền lớn". Cô còn nâng mũi để tạo dáng mũi chuẩn và tự nhiên.
Sau vài ngày, Xuân đau nhức vùng tiêm, mặt sưng đỏ, gọi cơ sở spa để xử lý. Nhân viên tư vấn đây là phản ứng tự nhiên, "uống kháng sinh vài ngày là khỏi". Một tuần, vùng tiêm đau nhức nhiều hơn, lan sang trán. Cô đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM khám, được chẩn đoán nhiễm trùng, phải nhập viện chích rạch, xử trí tổn thương.
"Chưa thấy tài lộc, hạnh phúc vì khỏi tướng sát chồng đâu mà mất tiền đi viện, nguy cơ mang sẹo cả đời", Xuân nói.
Tương tự, Lan, 26 tuổi, bị sưng tấy mặt do ứ dịch, tổn thương da, nhiễm trùng sau tiêm filler. Trước đó, cô đến spa tiêm vào má để khuôn mặt tròn trĩnh, đầy đặn hơn. Bác sĩ cho biết cô bị nhiễm vi khuẩn do sử dụng sản phẩm không an toàn, không đảm bảo vô trùng. Ê kíp phải chích rạch áp xe, khâu đóng, tái tạo vùng da bị tổn thương. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có thể gặp những di chứng về thể chất hoặc tinh thần.
Dân gian thường quan niệm phụ nữ gò má cao là "tướng sát chồng", trong cuộc sống hay lấn át người khác nên dễ xung khắc với chồng, gia đình thường gặp trắc trở. Lợi dụng điều này, nhiều nơi quảng cáo tiêm má giúp khuôn mặt đầy đặn, thu hút tài lộc, may mắn, "vun đắp hạnh phúc gia đình". Trên mạng xã hội, các spa quảng cáo đưa nhiều ưu đãi thu hút khách với chiêu trò quảng cáo như "tiêm má hack tuổi", "tiêm má chữa sát chồng", "nâng gò má đổi vận". Chẳng hạn, một cơ sở thẩm mỹ ở Bà Triệu (Hà Nội), quảng cáo chỉ một mũi tiêm vài triệu, "thay đổi tướng số, tăng nét thanh tú, trẻ hóa, phúc hậu, không sưng đau".
ThS.BS Nguyễn Phương Thảo, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết gò má cao khiến gương mặt người phụ nữ không cân đối, không hài hòa. Tuy nhiên, quan điểm tiêm gò má chữa sát chồng chỉ dựa trên nhân tướng học để phán đoán, chứ không phải là quan điểm của y học.
"Chưa có bằng chứng khoa học cụ thể để chứng minh rằng việc làm đầy gò má có thể làm giảm bớt sự xui rủi", bác sĩ nói.
Trường hợp xương gò má nhô ra quá mức, bác sĩ chỉ định phẫu thuật giúp giảm kích thước xương. Nếu bị thiếu hụt hoặc mất thể tích mô mỡ ở vùng má trước do quá trình lão hóa hoặc do giảm cân quá nhanh, khiến gương mặt trở nên hốc hác, bác sĩ có thể tiêm chất làm đầy, phục hồi thể tích, tạo độ đầy đặn và đường nét cân đối cho gương mặt.
Cùng quan điểm, bác sĩ Hoàng Mạnh Ninh, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện Bưu điện, cho rằng tiêm filler là phương pháp làm đẹp phổ thông, nhưng "tiêm gò má thoát tướng sát chồng, mang lại vận may thì chưa có căn cứ". Ngoài ra, bất kỳ kỹ thuật xâm lấn hoặc vật liệu đưa vào cơ thể nào cũng kèm rủi ro, kể cả thủ thuật đơn giản cũng có nguy cơ tai biến, hoại tử, không thể hồi phục về hình dạng ban đầu.
Theo các bác sĩ, việc coi nhân tướng rồi gán ghép cho số phận con người là không chính xác, không đúng thực tế, chưa được kiểm chứng. Ngoài ra, tài lộc đến từ cách hành xử, tính cách, lối sống tích đức chứ không chỉ nhờ hình thể đẹp. Mọi người có thể làm đẹp nhưng cần tỉnh táo, dẫn đến "tiền mất, tật mang". Một số vùng khi tiêm sẽ có nguy cơ tai biến cao hơn do cấu trúc giải phẫu và sự kết nối giữa các cơ, mạch máu và dây thần kinh của các khu vực đó.
Tiêm filler là một thủ thuật ít xâm lấn, không mất thời gian nghỉ dưỡng. Trước điều trị, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng khuôn mặt, làm sạch vùng da điều trị và ủ tê. Chất làm đầy có thể được đưa vào mô dưới da thông qua kim hoặc một dụng cụ chuyên biệt. Chi phí tiêm chất làm đầy để giảm độ nhô gò má và tạo vẻ đầy đặn cho gương mặt, dao động khoảng 10 triệu cho một lần điều trị. Tiêm filler chống chỉ định với những người dị ứng, da nhiễm trùng. Phụ nữ có thai và cho con bú cũng nên cẩn thận.
Phương pháp làm đẹp này khá an toàn song vẫn có rủi ro. Nguyên nhân gây tai biến, biến chứng có thể do filler không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, thậm chí dùng silicon lỏng. Bộ Y tế Việt Nam cấm tiêm silicon trực tiếp vào các bộ phận của cơ thể với mục đích làm đẹp năm 1995. Trường hợp tiêm filler quá liều, tiêm sai kỹ thuật, sai vị trí, dụng cụ tiêm không được vô trùng, chăm sóc sau tiêm không đúng...
Ở giai đoạn sớm, các nguy cơ và biến chứng thường gặp gồm đau, sưng bầm, nhiễm trùng có thể dẫn đến hoại tử, tắc mạch, chèn ép mạch máu. Ở giai đoạn muộn có thể gặp các biến chứng như tạo u hạt, nốt cục, phản ứng quá mẫn muộn, dịch chuyển của khối chất làm đầy nếu chọn lựa các sản phẩm không phù hợp hoặc kém chất lượng.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân cân nhắc lựa chọn phương pháp làm đẹp phù hợp, sản phẩm phù hợp và chất lượng. Thông báo đầy đủ với bác sĩ về tình trạng dị ứng của bản thân trước điều trị và tuân thủ các bước chăm sóc và theo dõi sau điều trị. Không nên tự điều trị vùng filler bị vón cục hay nhiễm trùng tại nhà, làm tăng biến chứng gây nguy hiểm không hồi phục.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế quy định người tiêm chất làm đầy bắt buộc phải là bác sĩ chuyên ngành da liễu, tạo hình thẩm mỹ, được đào tạo bài bản về tiêm chất làm đầy. Cơ sở thực hiện thủ thuật phải được cấp phép. Nếu tiêm sai kỹ thuật, sử dụng filler không rõ nguồn gốc và chất lượng, sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, tổn thương tàn phế vĩnh viễn một số chức năng cơ thể, thậm chí tử vong.