Sáng 21/10, ông Đặng Văn Mùi, 56 tuổi, phủ bạt tránh mưa làm hư hỏng ba xe máy, tủ lạnh trong căn nhà rộng 100 m2 ở hẻm đường Hồ Văn Long, phường Tân Tạo, quận Bình Tân. Do xây trên đất thuộc quy hoạch công viên cây xanh, ngôi nhà của ông Mùi phải tháo dỡ từ ba tuần trước.
Căn nhà cấp 4 giờ đây chỉ còn đống đổ nát, hàng chục tấm tôn xếp chồng dưới nền gạch men. Năm thành viên nhà ông Mùi phải dựng lều trước nhà ở tạm trước khi chuyển đi nơi mới. Ông Mùi kể năm 2018, vợ chồng bỏ ra 518 triệu đồng tích cóp nhiều năm mua mảnh đất ruộng dài 20 m, rộng 5 m, giao dịch bằng giấy tay. Nơi này chỉ cách trường THPT Bình Tân 25 m và đường Võ Trần Chí nửa km.
Thời điểm đó ông Mùi nghĩ rằng mình mua được miếng đất giá hời vì một căn chung cư rộng 45 m2 cách đó 100 m giá đã gần 700 triệu đồng. Mua đất xong, ông cất tạm căn nhà nhỏ mà không xin phép xây dựng. Đến năm 2019, ông bỏ gần một tỷ đồng xây nhà nhưng sau vài tháng bị chính quyền nhắc nhở.
"Căn nhà này gia đình tôi gắn bó đã lâu, hiện cũng không đủ tài chính nên gia đình chưa thể chuyển nơi mới", ông Mùi nói.
Cách đó 20 m, ông Phạm Văn Phương, 50 tuổi, cũng căng bạt che nắng mưa để nấu nướng, tắm giặt, ngủ tạm sau khi căn nhà cấp 4 bị dỡ do vi phạm trật tự xây dựng. Với mong muốn có nhà thoát cảnh ở trọ chật hẹp, ông vay tiền người thân mua mảnh đất rộng 70 m2 giá gần 300 triệu đồng để cất nhà từ cuối năm 2018.
Khi đó mảnh này nằm chung một thửa đất được phân thành 21 lô nhỏ, sang nhượng bằng giấy tay. Con đường dẫn vô khu này chỉ vừa đủ hai xe máy tránh nhau. "Hai vợ chồng bán đồ dạo, ở nhà trọ gần hai chục năm nên khao khát có nhà Sài Gòn", ông nói. Nhà xây xong năm 2019, chính quyền xuống nhắc nhở, dán thông báo công trình vi phạm nhưng chưa buộc phá dỡ ngay.
Vài tháng trở lại đây, gia đình mới nhận quyết định yêu cầu phải dỡ căn nhà. Đến giữa tháng 10, căn nhà đã bị đập bỏ. Theo người đàn ông 50 tuổi, do không nắm quy định cộng với việc không được nhắc nhở từ đầu, gia đình đã cất nhà kiên cố ở nhiều năm mà không nghĩ đến việc có ngày chính quyền buộc di dời.
Gia đình ông Mùi và ông Phương là hai trong số khoảng 150 căn nhà xây trái phép trong các con hẻm ở đường Hồ Văn Long, tỉnh lộ 10 tại phường Tân Tạo, phải tháo dỡ, trả lại hiện trạng.
Theo đại diện UBND phường Tân Tạo, phần lớn nhà thuộc diện vi phạm nói trên xây từ cuối năm 2019. Khi đó địa phương quản lý thiếu sát sao nên nhiều người xây nhà trên đất trồng cây lâu năm, đất quy hoạch công viên, cây xanh. Đến nay, khoảng 60 căn nhà bị dỡ, số còn lại chính quyền vận động người dân thực hiện xong trong tháng 11, đồng thời hỗ trợ những hộ khó khăn tìm nơi ở mới.
Trả lời VnExpress, ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết khi phát hiện vi phạm, địa phương xuống nhắc nhở, vận động tháo dỡ nhưng không xử lý cứng rắn để kéo dài qua nhiều năm. Việc này một phần do cán bộ quản lý thấy các hộ vi phạm thuộc diện nghèo, khó khăn, người dân năn nỉ tự khắc phục nên "mủi lòng" cho thêm thời gian.
Thêm vào đó, khi một căn nhà xây trái phép nhưng không xử lý nghiêm dẫn đến nhiều hộ khác làm theo. Ông Nhựt dẫn chứng trường hợp thửa đất sau trường THPT Bình Tân, ban đầu chỉ có một vài hộ xây nhà nhưng khi chưa xử lý xong kéo theo đến 21 hộ vi phạm.
Ngoài ra nhiều trường hợp mua đất giá rẻ, tâm lý chuộng ở nhà đất, chấp nhận rủi ro mua đất không phù hợp quy hoạch, dẫn đến không thể làm thủ tục xây dựng, từ đó có cách đối phó. Lúc đầu họ chỉ dựng tôn bảo vệ khu đất sau đó xây tường bên trong rồi che mái hình thành nhà cấp bốn để ở.
Để hạn chế tình trạng này, quận Bình Tân đã tăng cường quản lý, sử dụng công nghệ thông tin, thiết bị ghi nhận không ảnh để phòng ngừa vi phạm. Quận cũng chỉ đạo các phường có nhiều khu đất vướng quy hoạch khu vực có nguy cơ cao xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp phải tập trung kiểm tra, giám sát.
Đối với những khu đất đủ điều kiện chuyển đổi mục đích xây dựng, các cơ quan liên quan sẽ hỗ trợ tối đa thủ tục cho người dân. "Người dân khi xây dựng phải xin phép, không nên mua đất xây nhà ở tại các khu đất không phù hợp quy hoạch để đảm bảo quyền lợi, tránh phát sinh vấn đề về sau", ông Nhựt nói và cho biết sắp tới sẽ xử lý trách nhiệm cán bộ để xảy ra sai phạm ở địa bàn.
Tình trạng xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp, đất quy hoạch xảy ra ở nhiều địa phương tại thành phố. Tháng 7/2019, Thành ủy TP HCM ban hành Chỉ thị 23 nhằm chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý lĩnh vực xây dựng.
Báo cáo của Sở Xây dựng TP HCM, sau gần 4 năm thực hiện Chỉ thị 23, tổng số công trình vi phạm trên địa bàn gần 2.700, giảm 78,5% so với bình quân số vụ vi phạm trước thời điểm ban hành chỉ thị. Riêng 6 tháng đầu năm nay, số công trình vi phạm là 170, bình quân 0,9 vụ/ngày, tỷ lệ giảm 89,2%.
Theo luật sư Đỗ Trúc Lâm (Giám đốc điều hành hãng luật Lâm Trí Việt), Nghị định 91 xử phạt mức 6-400 triệu đồng, buộc trả lại hiện trạng ban đầu đối với nhà xây trên đất nông nghiệp mà không được cơ quan nhà nước cho phép. "Khi xây nhà trên đất quy hoạch, không đúng quy định, người dân như nắm đằng lưỡi, gặp nhiều bất lợi về sau", ông Lâm nói.
Đình Văn