Kinh tế gia đình luôn là vấn đề nóng và là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp tới hạnh phúc gia đình, đặc biệt ở khía cạnh vợ kiếm tiền nhiều hơn chồng. Dưới đây là những chia sẻ nổi bật của độc giả VnExpress.
Vợ không coi tôi là chồng vì lương cao gấp 3-4 lần
Tôi làm lương tháng chỉ 12 triệu đồng, thêm tiền cho thuê nhà 4 triệu nữa. Tôi vẫn về nhà đón hai con lớp sáu và năm tuổi, nấu nướng cho con ăn, chỉ ba bố con với nhau. Ăn uống, tắm giặt, dạy con học bài, dọn dẹp nhà cửa, nấu nước, rửa bát. Tiền điện nước tôi trả, thức ăn tôi mua, mỗi tháng đưa cho vợ tầm 7-10 triệu đồng. Cuối tuần ba bố con vẫn đi siêu thị chơi với nhau. Hai con chỉ quấn bố.
Vợ vẫn không coi tôi là chồng, ly thân sống cùng nhà vì cô ấy làm lương cao hơn tôi, khoảng 30-50 triệu đồng mỗi tháng, thi thoảng mua ít sữa, đồ ăn về nhà. Vợ cứ nghĩ tôi không kiếm được tiền. Nếu tôi đi kiếm tiền, ai chăm sóc hai con, trong khi vợ có thời gian là làm đẹp bản thân, đi spa,...?. Tôi chỉ lo nếu ly dị, một trong hai đứa sẽ ở với vợ, điều đó tôi không chấp nhận được. Tôi có dự định sắp tới sẽ làm thêm để tăng thu nhập, các con gửi ông bà. Mọi người cũng biết hai đứa con quấn gần như mình không làm được gì.
Chồng không làm ra tiền bằng vợ, họ khinh mình. Trong khi một tay mình lo cho gia đình. Mình chịu hy sinh rất nhiều nhưng họ không hiểu hết được. Có lẽ tôi phải ra ngoài kiếm thêm tiền. Mong các con chịu khó. Đứa em đủ bảy tuổi sẽ tự chọn ở với bố hay với mẹ. (kidloloshop)
Bị vợ coi là vô dụng khi không kiếm ra tiền đợt Covid
Tôi làm dịch vụ, vợ ở nhà nội trợ, hỗ trợ thêm chút trong công việc kể từ khi cưới. Có thể nói, nguồn thu chính lo cho gia đình từ tôi. Hai năm dịch Covid thật sự khó khăn. Lúc đó, công việc đình trệ, không có thu nhập, tôi cố gắng xin việc nhưng không được vì tuổi tác và sức khỏe không tốt. Tuy nhiên, tôi vẫn còn tiền tiết kiệm để lo cho bản thân và thêm chút cho gia đình.
Vợ tôi xin được việc, có thu nhập và lo chính chi tiêu trong hai năm dịch đó. Lúc ấy, trong mắt vợ, tôi là người vô dụng, so sánh hoặc đem những người khác ra để nói... Buồn nhất là vợ lại có xu hướng xây dựng hình ảnh người cha tồi trong mắt con bằng lời nói, thái độ không tốt ngay cả khi có mặt con (tôi là người dạy con học, chơi với con nhiều hơn vợ). Lúc đó, tôi nhận ra nhiều điều và chấn chỉnh lại vợ.
Tôi thấy phụ nữ mà kiếm nhiều tiền hơn đàn ông, chắc sẽ có vấn đề. Nhưng đàn ông, dù kiếm nhiều hay ít cũng cần bản lĩnh, quyết đoán thì vợ mới nể. Giờ công việc trở lại, vợ làm việc vợ, tôi làm việc của tôi, thấy khỏe hơn rất nhiều so với thời gian đầu hai vợ chồng cùng làm. (Ha Nguyen)
Chồng mặc tôi lo toan gia đình, thảnh thơi với mức lương 6-7 triệu
Vì cái tham lam muốn gia đình được ăn ngon, mặc đẹp, có khoản dự phòng khi đau ốm hoặc có chuyện xui rủi, nên bản thân phải cố gắng. Cố gắng học hỏi để nâng cao trình độ, năng lực bản thân, cố gắng học cách nuôi dạy con nên người, phù hợp với sự phát triển xã hội, vun vén hai bên nội ngoại các dịp lễ lạt. Trong khi chồng vô lo, vô tâm, làm tháng 6-7 triệu đồng, không định hướng, không muốn thay đổi công việc. Ở chung với nhà vợ, khó chịu thì đeo tai nghe vào bỏ mặc những gì đang diễn ra. Nên tôi thấy sự bất công trong chính gia đình mình. Chồng đi làm về không bị công việc vướng bận, chơi game, nằm xuống là ngáy. Còn tôi đêm đêm nằm nghĩ nhiều chuyện không ngủ được, lo công việc, con cái, quần áo, ăn uống ngày mai,... Vừa nghĩ vừa nghe chồng ngáy, tủi thân, khóc bao đêm.
Đỉnh điểm là khi sinh bé thứ hai, tôi ngồi hút sữa, mệt vì thức đêm chăm con, cũng thêm sự bực dọc trong lòng, hai vợ chồng cãi nhau, tôi tấm tức khóc, nói ra cho hả, chồng bảo tôi im đi. Sau đó chúng tôi có nói chuyện lại về định hướng và trách nhiệm trong gia đình, anh bảo thiên chức của phụ nữ là đẻ con, chăm con. Tôi hỏi vậy trách nhiệm của người đàn ông trong gia đình là gì? Không định hướng cho con, không dạy dỗ con phát triển, không đem về tài chính tốt, không quan tâm vợ. Sao chúng tôi là phái yếu, muốn được yếu chút cũng không được? Các anh không kinh tế, ít ra cũng nên tinh tế chứ nhỉ? Rồi tôi nói sẽ cố gắng không phụ thuộc vào chồng bất kỳ chuyện gì. Anh lơ lơ như không có chuyện gì xảy ra.
Thế là tôi vừa chăm bé nhỏ vừa nhận làm thêm, vừa chăm sóc nhà cửa và cả bé lớn. Nhiều lúc đuối lắm nhưng đôi khi lại thấy thoải mái lạ thường, vì không còn trông đợi gì từ chồng nữa. Chúng tôi đang trong giai đoạn lạnh dần, hay thực ra chỉ tôi thấy vậy, bởi có lẽ chồng không biết tôi buồn, không nhận ra được sự thay đổi của tôi. Mọi thứ đối với anh ngày qua ngày vẫn vậy.
Tôi dự tính chờ xem liệu mình suy nghĩ đúng không, chờ đến khi bé nhỏ một tuổi sẽ thỏa thuận ly thân với chồng và nghĩ cũng sẽ tiến đến ly hôn. Vì ba mẹ hạnh phúc mới nuôi dạy con hạnh phúc được. Nhưng khi nghe chia sẻ từ một người vợ có hoàn cảnh tương tự, nghe tư vấn từ chuyên gia, tôi có chút chững lại. Tôi sẽ điều chỉnh lại suy nghĩ để bản thân không phải là nạn nhân, và chồng không là thủ phạm, để dẫn dắt suy nghĩ là tâm trí, lý trí trở nên nhân tính hơn.
Không chắc kết quả về cuộc hôn nhân chúng ta sẽ như thế nào, chỉ mong đời sẽ nhẹ nhàng với chúng ta chút. (Tuhy)
Vợ kiếm tiền mua được nhà xe nhưng không coi thường tôi
Vợ tôi vẫn khuyên tôi nên tìm việc có thu nhập cao hơn nhưng cô ấy không coi thường chồng. Mỗi ngày tôi đi làm, chiều về lo cơm nước cho con, đưa chúng đi học lớp tối... Thu nhập của tôi không đủ lo toàn bộ cho gia đình thì vợ cùng chung tay, thậm chí tiền của vợ dùng để tiết kiệm và mua được nhà cửa, xe cộ.
Rõ ràng việc ai có thu nhập nhiều hơn không quan trọng, quan trọng là cách hai người hiểu và chia sẻ với nhau thế nào. Đàn ông thường nhạy cảm khi ai đó lấy mình ra so sánh với người khác, tuy nhiên nếu bạn hiểu giá trị của bạn không chỉ ở đồng tiền kiếm được mà còn là cách sống, chắc chắn bạn mới là người đàn ông mà nhiều người mơ ước. (tonygreensunflower)