Tôi và vợ rất hay xảy ra mâu thuẫn. Bình thường tôi rất vui khi giúp đỡ vợ làm việc trong nhà. Nhưng đi làm về mệt lại nhà cửa bẩn thỉu hoặc vợ chưa phơi quần áo, tôi rất bực bội. Dù đã nhắc vợ nhiều lần, vợ hứa sửa nhưng vẫn chứng nào tật đấy. Xin chuyên gia cho tôi lời khuyên. Cảm ơn nhiều. (Văn Minh).
Trả lời:
Chào Văn Minh,
Rất tiếc trong thư bạn kể đã lập gia đình lâu chưa, chuyện mâu thuẫn mới xảy ra gần đây hay từ khi mới lấy nhau. Thông tin này giúp cho chúng tôi, những người làm công việc tư vấn, có thể chia sẻ vấn đề khó khăn bạn gặp phải một cách chính xác và hợp lý hơn.
Bạn thấy đó, rõ ràng cuộc sống chung sau hôn nhân không phải lúc nào cũng đẹp như lúc đang yêu. Điều này cũng dễ hiểu thôi, vì khi đang yêu, cả hai bên đều cố gắng thể hiện những mặt tốt đẹp của mình để tạo ấn tượng đẹp với đối tác. Ai cũng luôn cố gắng giấu tối đa những điều không đẹp có thể làm mình mất điểm trong mắt người mình yêu.
Khi về sống chung với nhau, rõ ràng không ai có thể giấu mãi tật xấu của mình 24h/7 được. Thế nên, sau khi cưới, cả hai cần phải tập cách sống chung với những thói quen xấu của nhau. Tất nhiên, trong những thói quen tật xấu đó, sẽ có những điều có thể thay đổi được và có những điều không thay đổi được. Chẳng hạn đối với bạn đó là thói quen cáu gắt không có lý do rõ ràng, còn vợ bạn là thói quen bừa bộn hoặc hay sai vặt.
Vậy thì làm thế nào để có thể hạn chế những mâu thuẫn như thế. Theo tôi, điều đầu tiên cả 2 vợ chồng cần ngồi lại trò chuyện để nhận thức rõ những khía cạnh tốt, xấu của chính mình và của đối tác. Tiếp theo, có thể cùng trao đổi với nhau về những điều mình mong muốn ở bạn đời để có thể đi đến thỏa thuận điều gì có thể thay đổi, điều gì cần chấp nhận nhau ở một mức độ nào đó.
Sau khi đã trao đổi, cả hai cùng cố gắng tự điều chỉnh mình, đồng thời giúp đỡ đối tác của mình thay đổi dần dần bằng thái độ chân tình và không nôn nóng.
Bạn cần chú ý rằng, dù là người lớn hay trẻ em đều mong muốn được đánh giá cao những thay đổi tốt của mình. Do đó bạn cần biết cách khen vợ khi cô ấy có những chuyển biến tích cực.
Về phần bạn, khi sắp sửa bùng nổ cơn cáu gắt, bạn hãy uống thật chậm một ly nước, hoặc bước ra ngoài sân để giữ được bình tĩnh. Sau đó hãy từ từ trao đổi với vợ về điều bạn yêu cầu. Bạn cần chú ý rằng, cùng một vấn đề nhưng nếu trao đổi với sự bình tĩnh, nhẹ nhàng sẽ dễ được chấp nhận hơn khi bạn thể hiện nó dưới một trạng thái giận dữ.
Không phải vô lý khi ông bà xưa đã nói “vợ chồng lúc nào cũng phải tôn kính nhau như lúc ban đầu” (phu thê tương kính như tân). Sự tôn trọng nhau và đối xử lịch sự nhẹ nhàng với vợ/chồng của mình đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cuộc sống hạnh phúc gia đình.
Chúc bạn giải quyết tốt những vướng mắc trong cuộc sống gia đình mình.
Chuyên viên tư vấn Phạm Phúc Thịnh
Trung tâm tư vấn Nhịp Cầu Hạnh Phúc