Tôi 44 tuổi, vợ 38 tuổi, kết hôn được gần 7 năm. Hồi đầu, cô ấy thường về nhà tôi, từ khi bầu bí rồi con mọn, chủ yếu tôi về nhà cô ấy. Mỗi năm, chỉ vài lần vào các dịp lễ tết, tôi đón ba mẹ con về ở cùng bà nội.
Thời điểm kết hôn xong, cơ bản tôi không còn tiền do trước đó đã bỏ ra hơn một tỷ để làm nhà trên đất của bố mẹ. Nhà chỉ tôi và mẹ ở, bố mất khi tôi còn nhỏ, anh trai và em gái đã lập gia đình và ở riêng, cam kết không đòi hỏi thêm (vì đã được chia đất) nên dĩ nhiên đó là nhà của tôi. Ngoài ra, trước khi kết hôn, tôi dành 5 năm đi học văn bằng hai và sau đại học, chủ yếu chi chứ không có thu.
Sau kết hôn, thấy mình cần phải tích lũy cho tương lai, tôi cố gắng tích cóp, vay mượn để mua mảnh đất nhỏ trong hẻm. Trả xong nợ, tôi bán đi (lời một ít), lại vay thêm để mua mảnh khác lớn hơn. Cứ như thế, hiện tại tôi có mảnh đất ở vị trí tương đối đẹp và một mảnh ở trong hẻm nhưng có sẵn mấy phòng trọ cho thuê. Tiền cho thuê tôi để mẹ đi chợ hàng ngày. Để không vỡ kế hoạch tài chính, tôi hạn chế các khoản vay dưới 1/3 giá trị đất mua. Dù vậy, mấy năm qua, tôi luôn trả gốc và lãi khoảng 5 triệu mỗi tháng. Khi có thu nhập đột xuất, tôi trả trước kỳ hạn.
Về phần gia đình, khi có cháu đầu lòng, mỗi tháng tôi đưa vợ 5 triệu để lo cho con, khi có cháu thứ 2 thì mỗi tháng đưa 10 triệu (chi phí sinh nở, lễ tết tôi đưa riêng). Một năm trở lại đây, vợ thường cằn nhằn chuyện tiền, muốn tôi đưa thêm. Tôi nói với cô ấy: "Mức giảm trừ gia cảnh đối với người thu nhập cao của Việt Nam chỉ 3,6 triệu một người mỗi tháng, gần đây mới tăng lên 4,4 triệu, anh đã đưa cho em nhiều hơn mặt bằng chung rồi". Cô ấy bảo: "10 triệu không đủ chi tiêu". Tôi lại nói: "Rất nhiều gia đình thu nhập chỉ tầm 10-11 triệu mỗi tháng, họ chi cho 4 người, còn phải trích lập dự phòng, tiết kiệm. Tiền anh đưa, cộng lương của em khoảng 6 triệu là đã gấp 1,5 lần các gia đình đó, chỉ chi cho 3 người. Tính ra, mức sống của em và các con đã cao hơn gấp đôi so với họ". Nghe thế mặt vợ tôi xị ra.
Gần đây, vợ muốn mua bảo hiểm cho con, tôi nói: "Như thế cũng tốt, hiện anh có một cái đã mua được 12 năm, xem như đã có cho một đứa. Giờ em tiết kiệm trong khoản anh đưa, mua thêm cho một đứa". Nghe xong, cô ấy giãy nảy như đỉa phải vôi. Ba tháng nay, vợ không thèm gọi điện cho tôi, khi tôi gọi thì cô ấy đưa máy cho con nghe. Gặp nhau cuối tuần, họa hoằn lắm vợ chồng mới nói đôi ba câu, chuyện sinh hoạt cũng cắt luôn (chuyện này ngay từ đầu đã ít vì cơ địa vợ tôi không như người khác).
Tôi mua đất là để tích lũy chung, sổ đỏ đứng tên hai vợ chồng chứ chẳng ai khác. Tiền làm ra chẳng dễ, cả hai đều ở tỉnh lẻ, không thể so với các đô thị lớn; vợ không chịu hiểu, áp lực mỗi tháng kiếm tối thiểu 20 triệu tiền mặt (10 triệu đưa vợ, 5 triệu trả nợ, một triệu đi lại thăm vợ con, 4 triệu cho bản thân và lo hiếu hỉ), chưa kể các khoản chi đột xuất khác, khiến tôi đau đầu.
Do đặc thù nghề nghiệp, các tháng đầu năm tôi gần như không có thu nhập. Để khắc phục, những năm trước vào cuối năm, ngoài tiền lo tết tôi đưa vợ một khoản đủ chi phí vài tháng tiếp theo. Khi cầm tiền, vợ liền đi mua vàng, mua không sao nhưng cô ấy chỉ mua vào chứ nhất quyết không chịu bán ra khi cần, đến tháng lại hỏi tôi tiền. Không muốn cãi vã, tôi phải đi vay nóng, "giật gấu vá vai" các tháng đầu năm. Vì vậy, hai năm nay tôi để tiền trong tài khoản, đến tháng mới chuyển chứ không đưa một lần nhiều tiền. Có lẽ, đây là vấn đề khiến mặt vợ bí xị.
Nhiều lần tôi tự hỏi, phải chăng vợ chồng tôi ở hai nơi nên vợ mới vậy? Rồi ngẫm lại không phải, bao nhiêu người cùng nghề với tôi nhưng theo công trình đi suốt, vài tháng mới về một lần thì sao. Gia đình vợ tôi neo người, vợ ở cùng mẹ đẻ, vừa tốt cho cô ấy, vừa để nhà có người. Bà ngoại buôn bán, làm ra tiền, các cháu được nhờ chứ vợ chẳng phải lo. Thương các con còn nhỏ, xa mẹ sẽ khổ, nếu không tôi đã đưa hai con về nuôi, để vợ thích làm gì thì làm.
Huy
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc