Đại lễ thành hôn của vua Phổ Nghi và Uyển Dung diễn ra ngày 1/12/1922. Uyển Dung là người cuối cùng được gọi là hoàng hậu trong Tử Cấm Thành. Để mừng lễ cưới, cung đình tổ chức ca múa, diễn kịch suốt ba ngày tại Tấu Phương Trai trong Tử Cấm Thành. Theo bài viết của nhà nghiên cứu lịch sử Lý Quốc Vinh, đăng trên trang web của Cố Cung, kinh phí cho phần biểu diễn phục vụ đại lễ thành hôn là hơn 30 nghìn lượng bạc trắng, tổng chi phí cho hôn lễ là hơn 400 nghìn lượng bạc.
Những nghệ sĩ Kinh kịch tên tuổi nhất bấy giờ gồm Mai Lan Phương, Dương Tiểu Lâu, Mã Liên Lương... đều được mời vào cung biểu diễn. Các kép hát bên ngoài vào đều không cần mang đạo cụ vì trong cung có sẵn, chỉ mang các đồ hóa trang. Nhưng trong cung khi đó không có phục trang vở Bá vương biệt Cơ, vì thế kép hát của Mai Lan Phương tự chuẩn bị đạo cụ.
Theo Sohu, trong ba ngày đại lễ thành hôn, các kép hát diễn 33 vở kịch. Kép của Mai Lan Phương diễn Bá vương biệt Cơ ở ngày cuối cùng - được coi là tiết mục đặc biệt nhất. Vở diễn nhuốm màu bi kịch, xoay quanh chuyện Bá vương Hạng Vũ bị dồn đến đường cùng, sinh ly tử biệt với Ngu Cơ. Một số vương công cho rằng vở diễn không thích hợp trong dịp đại hỷ của nhà vua và hoàng hậu nhưng đây lại là tác phẩm nức tiếng của Mai Lan Phương. Cuối cùng, Phổ Nghi duyệt diễn Bá vương biệt Cơ.
Mai Lan Phương mặc đồ nữ hóa thân thành Ngu Cơ còn Dương Tiểu Lâu đóng Hạng Vũ. Hai nghệ sĩ biểu diễn sinh động, thống thiết, làm thái phi, thê thiếp của các vương công sụt sùi. Một số quan thần cho rằng đây là điềm gở.
Trong ba ngày đại lễ thành hôn, Dương Tiểu Lâu (1878-1938) đều có mặt ở Tấu Phương Trai, mỗi ngày diễn ít nhất một vở, bao gồm Diễm dương lâu, Trạng nguyên ấn, Thủy liêm động... Bấy giờ, ông là diễn viên lừng danh kinh thành, được mệnh danh Nhất đại tông sư của nghệ thuật Kinh kịch. Từ Hy thái hậu từng ưu ái Dương Tiểu Lâu, thưởng cho ông nhẫn phỉ thúy mà bà đeo trên tay.
Năm 1924, Phùng Ngọc Tường gây chính biến ở Bắc Kinh, Phổ Nghi cùng hoàng hậu Uyển Dung và Thục phi Văn Tú đều bị đuổi khỏi cung. Có người nói rằng đó là "họa" từ vở bi kịch Bá vương biệt Cơ hôm đại lễ thành hôn. Từ đó, cả vua và hoàng hậu trải qua nhiều phong ba bão táp. Theo Ifeng, trong tự truyện Nửa đời trước của tôi của Phổ Nghi, ông nhắc chuyện Uyển Dung nghiện thuốc phiện, ngoại tình. Bà còn trở thành công cụ trong tay anh trai, bị anh trai bán đứng cho người Nhật Bản. Uyển Dung chết trong tù ở tỉnh Cát Lâm năm 1946, không một người thân, người bạn nào bên cạnh.
Phổ Nghi sinh năm 1905, được đặt vào ngôi hoàng đế nhà Thanh khi ba tuổi. Năm 1912, Dân Quốc thành lập, Phổ Nghi bị buộc thoái vị nhưng theo Điều kiện ưu tiên mà hoàng thất nhà Thanh ký với chính phủ Dân Quốc, Phổ Nghi không phải bỏ đế hiệu và tiếp tục sống trong Tử Cấm Thành, sinh hoạt theo nếp cũ.
Sau khi bị đuổi khỏi cung, Phổ Nghi được Nhật Bản dựng lên làm người đứng đầu của nhà nước bù nhìn Mãn Châu quốc. Khi Nhật đầu hàng năm 1945, Phổ Nghi bị Hồng quân Liên Xô bắt giữ trên đường chạy trốn sang Nhật. Ông bị giam cầm 5 năm trong trại tù binh ở Siberia. Năm 1950, Phổ Nghi được Liên Xô trao cho Trung Quốc và được đặc xá vào tháng 12/1959. Ông qua đời tại Bắc Kinh năm 1967.
Nghinh Xuân (theo DPM)