Khoản 2 Điều 22 Bộ luật dân sự 2015 quy định, giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
Vợ anh bị mắc bệnh tâm thần, tuy chưa biết mức độ nặng nhẹ, nhưng tôi cho rằng vợ anh thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự. Do đó, các giao dịch liên quan người vợ sẽ do người đại diện xác lập thực hiện.
Việc khẳng định vợ anh là người mất năng lực hành vi dân sự phải do toà án quyết định. Sau khi toà án tuyên vợ anh mất năng lực hành vi dân sự, anh sẽ là giám hộ đương nhiên của vợ, theo điều 53 Bộ luật dân sự 2015.
Khoản 1 Điều 58 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền của người giám hộ như sau:
- Sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ;
- Được thanh toán các chi phí hợp lý cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ;
- Đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.
Việc anh muốn bán mảnh đất diện tích 250 m2 là tài sản chung để lo kinh tế cho gia đình và chữa bệnh cho vợ anh, đây là việc làm chính đáng. Vì vậy, anh có quyền đại diện vợ ký bán và không cần chữ ký của cô ấy.
Trường hợp này, muốn thực hiện được giao dịch anh cần lưu ý:
- Phải làm thủ tục xác định vợ bị hạn chế hay bị mất năng lực hành vi dân sự tại toà án.
- Khi anh là giám hộ đương nhiên cũng phải được sự đồng ý của người giám sát giám hộ (bố, mẹ vợ hoặc anh, chị, em vợ) thì mới thực hiện được giao dịch. Vì, anh nói rằng bán đất để lo kinh tế gia đình và chữa bệnh cho vợ là ý kiến của cá nhân, khi thực hiện sẽ cần được sự đồng ý của người giám sát, giám hộ để đảm bảo quyền lợi thực tế cho vợ anh.
- Khi giao dịch bán phải cung cấp chứng từ chứng minh tư cách giám hộ cho cơ quan, tổ chức thực hiện giao dịch.
Luật sư Nguyễn Đại Hải
Công ty Luật TNHH Fanci