Trả lời:
Theo quy định tại Điều11 Luật Hôn nhân và gia đình thì “Nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng”.
Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT- TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 3/01/2001 cũng nêu rõ: Kể từ sau ngày 1/1/2003 mà họ không đăng ký kết hôn, thì theo quy định tại điểm b khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội, họ không được công nhận là vợ chồng … nếu họ có yêu cầu về nuôi con và chia tài sản, thì Tòa án áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết theo thủ tục chung.
Liên quan đến hậu quả pháp lý của việc “không được pháp luật công nhận là vợ chồng”, khoản 3 Điều 17 Luật hôn nhân và gia đình quy định: Tài sản được giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó; tài sản chung được chia theo thỏa thuận của các bên; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và con.
Theo các quy định vừa viện dẫn thì việc người phụ nữ chung sống với một người đàn ông nhưng không có giá thú nên về mặt pháp lý, họ không được pháp luật công nhận là vợ chồng và như vậy, người phụ nữ sẽ không được coi là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất để hưởng thừa kế của người chết như những trường hợp vợ hưởng thừa kế của chồng.
Tuy nhiên, nếu trong quá trình sống chung, người phụ nữ có công sức đóng góp hoặc duy trì khối tài sản chung với người đã chết thì ngoài việc được lấy lại những tài sản riêng của mình, người phụ nữ còn được hưởng một phần di sản của người đã chết, tương ứng với công sức đóng góp.
Luật sư Nông Thị Hồng Hà
Công ty Luật Hồng Hà
Số 8 Đình Ngang, Hoàn Kiếm, Hà Nội
www.hongha.vn