Tôi 47 tuổi, là quản lý cấp cao trong lĩnh vực tài chính. Vợ kém tôi 12 tuổi, mới đi làm nhân viên văn phòng trở lại sau thời gian 5 năm nghỉ sinh bé út. Chúng tôi đến với nhau khi cả hai đều một lần đổ vỡ. Tôi có 2 con riêng đang học đại học và ở với mẹ. Vợ tôi có một con riêng, thằng bé năm nay 13 tuổi và đã ở với chúng tôi 5 năm nay. Bố đẻ thằng bé gần như không quan tâm hỏi han gì. Tôi tự nhận thấy nó thiệt thòi nên cũng cố gắng bù đắp. Suốt 5 năm qua, gần như ngày nào tôi cũng dậy sớm làm đồ ăn sáng cho con. Thằng bé kém ăn nên tôi cố gắng không để nó ăn cùng một món trong 2 ngày liền. Trường học có xe đưa đón nhưng tôi chỉ để xe trường đưa về buổi chiều, còn buổi sáng tôi tự đưa con đi bằng xe riêng vì sợ xe trường không có cửa kính, nó dễ bị ốm. Công việc của tôi rất bận nhưng vẫn cố gắng hàng ngày đưa con đi học các lớp học ngoại khóa, học võ, cuối tuần cả nhà đi dã ngoại hoặc xem phim. Nó ngủ phòng riêng, hầu như đêm nào tôi cũng sang phòng nó lúc 1-2h sáng để đắp chăn, tắt điều hòa, giảm quạt vì con rất hay ốm.
Tính tôi nghiêm khắc, con nào hư tôi cũng đều mắng, dù là con chung hay con riêng nhưng tuyệt nhiên không bao giờ đánh. Tôi tự nhận thấy mình là một người cha tốt nhưng vợ không nghĩ vậy. Thằng bé bị ho, nửa đêm tôi tắt điều hòa thì vợ lại nghĩ tôi ích kỷ, do nó là con riêng vợ. Nó đi theo bạn, rủ nhau vào siêu thị lấy trộm đồ chơi, bị người ta bắt được gọi bố mẹ đến bảo lãnh về. Tôi mắng thì vợ tôi nói nó là trẻ con, chưa biết gì mà anh cứ coi nó như thằng ăn cắp. Nó lấy tiền của mẹ đi mua quà nhưng bị hỏi thì nói là nhặt được. Tôi mắng con, vợ lại bảo anh không tin nó à. Buổi trưa con nói với cô giáo là đi về nhà nhưng nói với mẹ ở lại trường học để rồi về nhà bạn chơi. Bị phát hiện thì con bảo là đến nhà bạn để gọi bạn đi học. Tôi mắng con, vợ lại bảo nó nói dối vì sợ anh mắng. Nó mắc lỗi, không bao giờ nhận lỗi mà cứ nói dối loanh quoanh. Tôi bảo con trai dám làm dám chịu, sai thì phải biết nhận lỗi chứ không được nói dối. Vợ tôi lại bảo anh phân biệt đối xử, lúc nào cũng nghiêm khắc với con riêng của vợ trong khi đối xử hoàn toàn khác với bé út con chung (bé gái út chúng tôi mới hơn 3 tuổi).
Trước mặt tôi, vợ tôi nói với thằng bé: "Người ta luôn nghĩ con là thằng ăn cắp, thằng dối trá đấy, con liệu mà sống đi". Câu nói làm tôi đau đớn vì đã phủ nhận toàn bộ những lo toan chăm sóc của tôi với thằng bé. Cô ấy đã cho nó biết tôi chỉ là "người ta" thôi chứ không phải ba của nó. Quan điểm của tôi là với trẻ con thì phải nghiêm khắc, uốn nắn từ bé, vợ lại nghĩ là tôi xét nét, không công bằng. Vậy tôi phải làm sao để giáo dục đứa con riêng của vợ có những tật xấu như thế? Mong chuyên gia và bạn đọc cho tôi xin lời khuyên.
Tùng
Chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành gợi ý:
Chào anh Tùng,
Việc anh chủ động giáo dục con là tốt, tuy nhiên cũng cần phải tế nhị hơn. Không phải vì đứa trẻ đó khó giáo dục, mà là vì mẹ nó quá nhạy cảm. Nhiều người phụ nữ ly hôn coi con là tất cả trong cuộc sống. Khi tái hôn, họ luôn nghĩ đến quyền lợi của con trước tiên. Đôi khi họ thương con một cách thái quá vì cảm thấy có lỗi với con và luôn lo sợ con bị thiệt thòi. Khi chị ấy chọn anh, tức là đã phần nào chắc chắn anh đối xử tốt với con riêng của chị. Quả thật, những việc anh làm cho thấy anh thật lòng với vợ con. Tuy nhiên, những tổn thương cũ và lo sợ con thiệt thòi khiến chị ấy có cách ứng xử chưa thật hiệu quả trong mối quan hệ gia đình mới.
Bởi vợ nhạy cảm như vậy, nên anh hãy chú ý hơn nữa đến ngôn từ mình sử dụng khi dạy con. Tránh dùng những từ ngữ quá mạnh có tính mạt sát, đe dọa, chỉ trích, miệt thị và tránh dạy con lúc tức giận, mất kiểm soát. Bởi như vậy càng dạy con sẽ càng hư. Đặc biệt khi vợ anh nghe thấy sẽ hiểu nhầm là anh quát mắng, miệt thị, coi thường con. Tốt nhất anh hãy để chị ấy chủ động dạy con nhiều hơn.
Thêm nữa, một đứa trẻ đã học gần như tất cả mọi thứ trước 6 tuổi rồi, hiện tại là lúc nó bộc lộ ra ngoài và điều chỉnh dần. Con đã 13 tuổi, ở tuổi dậy thì sẽ có nhiều thay đổi về tâm tính, tình cảm, dễ nổi loạn. Vậy nên, việc dạy con lại càng cần phải hết sức tế nhị, mềm dẻo và tôn trọng con. Ở tuổi này, con không học nhiều từ bố mẹ nữa, mà chủ yếu học từ bạn bè, thầy cô. Vì vậy, anh hãy cố gắng thiết lập tình bạn hữu hảo, thân thiết với con, để khi con có chuyện cần tâm tình, tư vấn, sẽ tìm đến anh thổ lộ và hỏi ý kiến. Anh cũng đừng lo con ốm. Ốm là cách con đang tự chữa lành cơ thể và luyện tập thích nghi. Cứ để con học cách tự có trách nhiệm và chăm lo cho bản thân.
Trong những cuốn sách về nuôi dạy con có viết rất rõ về phương pháp dạy con sao cho hiệu quả, sao cho con có khả năng thích nghi với cuộc sống và tự học, tự lập tốt. Trong đó, có nhấn mạnh rằng 90% nghệ thuật giáo dục là khích lệ và cha mẹ hãy hỏi con thay vì khuyên bảo, ra lệnh, giảng giải. Hi vọng vợ chồng anh có thể tìm đọc, tham khảo thêm để thống nhất với nhau cách thức dạy con và dạy sao cho hiệu quả.
Vợ anh nói "Người ta luôn nghĩ con là thằng ăn cắp, thằng dối trá đấy, con liệu mà sống đi” đã làm anh đau đớn và cảm thấy bị phụ công. Có lẽ trong lúc mất kiểm soát cảm xúc khi nghe anh chê trách con, chị ấy mới nói như vậy. Tôi tin rằng chị ấy biết anh tốt nên mới chọn anh làm cha cho con chị. Anh là chỗ dựa vững chắc trong gia đình nên hãy vững vàng và cố gắng bỏ qua cho chị ấy.
Tuy nhiên, anh cũng cần nói chuyện thẳng thắn và rõ ràng để vợ hiểu mình yêu con riêng của vợ như con đẻ, không phân biệt đối xử. Anh cũng cần yêu cầu chị ấy không được nói những câu kiểu như vậy nữa, bởi sẽ gây rạn nứt tình cảm vợ chồng và cha con. Hãy phân tích để vợ anh hiểu những lo sợ vô cớ của chị ấy sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến con. Vì vậy, chị ấy cần phải tin tưởng vào cuộc sống mới, gia đình mới này.
Anh cũng nên tổ chức những hoạt động gắn kết gia đình như cùng nhau vui chơi, làm việc, cùng nhau tính toán tương lai cho các con… để chị ấy cảm thấy gia đình là một thể thống nhất và anh thực lòng quan tâm đến con chị. Chúc anh chị vững vàng trong hành trình xây đắp hạnh phúc gia đình.
Muốn được chuyên gia Trần Kim Thành tư vấn, mời bạn gửi tâm sự tại đây.
Độc giả gọi điện tâm sự với biên tập viên theo số 02873008899 - máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính). Các chia sẻ của bạn sẽ được đăng tải trên Tâm sự.