Theo chia sẻ gửi về VnExpress, bố Duy có vợ, sinh con ở quê nhưng chưa đăng ký kết hôn, sau đó lên thành phố cưới vợ, là mẹ Duy.
Bố Duy về quê mỗi năm một lần. Mẹ con người "vợ cả" sống cùng và phụng dưỡng bà nội đến khi mất, lo toan mọi việc gia đình nội ngoại ở quê.
Khu đất bà nội đứng tên, sau giải tỏa, được đền bù 2 lô đất liền kề. Bố bạn sau đó cùng bà nội sang tên cho bố và chú mỗi người một lô, người vợ cả không biết. Nay làm ăn không tốt, bố mẹ bạn muốn bán miếng đất để trả nợ nhưng không rõ mẹ bạn Duy, và mẹ con người "vợ cả" có quyền lợi gì với mảnh đất này.
Khảo sát trên VnExpress thể hiện, 52% độc giả (668 người) cho rằng cả hai mẹ con người "vợ cả" ở quê đều có quyền lợi với mảnh đất của bố bạn Duy, dù chưa đăng ký kết hôn.
Nhiều ý kiến bình luận nêu, đất đứng tên ai của người đó, nhưng về tình nghĩa, người "vợ cả" ở quê có công lao, ân tình nên được hưởng một phần tài sản.
Với thắc mắc thứ nhất của bạn Duy, về quyền lợi của mẹ bạn, người vợ chính thức, luật sư Nguyễn Đại Hải,(Công ty luật TNHH Fanci) đánh giá lô đất bố bạn Duy muốn bán để trả nợ có nguồn gốc được nhà nước bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho bà nội. Sau đó, bà nội thực hiện thủ tục cho tặng bố bạn Duy nên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bố Duy.
"Đây là tài sản được cho tặng riêng nên dù phát sinh trong thời kỳ hôn nhân, mẹ bạn Duy vẫn không có quyền gì liên quan thửa đất này. Bố bạn Duy có toàn quyền định đoạt như bán, cho tặng...", luật sư cho hay.
Với trường hợp của "bà cả", luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty luật Bảo An, Hà Nội) nói có thể có quyền lợi liên quan trong một số trường hợp sau:
Trường hợp thứ nhất, bà cả đã bỏ ra công sức và tiền bạc để tôn tạo, san lấp, cải tạo đất... trong quá trình sinh sống. Dù đây là việc làm tự nguyện nhưng nếu có tranh chấp thì pháp luật vẫn xem xét, buộc bố bạn phải thanh toán phần công sức, tài sản này cho bà cả một cách thỏa đáng.
Trường hợp thứ hai, bà cả đã xây nhà, các công trình phụ trên thửa đất (không phân biệt khi xây thì bà nội cũng như bố bạn có đồng ý hay không). Ngoài công trình xây dựng thì cây trồng lâu năm, hoa màu do bà cả vun trồng, canh tác cũng là quyền lợi mà tòa án phải xem xét. Trường hợp có tranh chấp thì pháp luật cũng sẽ buộc bố bạn phải thanh toán giá trị còn lại của công trình cho bà cả.
Do vậy, các luật sư đánh giá, trường hợp bố Duy muốn chuyển nhượng thửa đất cho người khác thì cần phải bàn bạc, thống nhất với bà cả để giải quyết phần tài sản mà bà đã tạo lập, cũng như xem xét chỗ ở khác cho bà nếu không còn chỗ ở nào khác.
Tòa án sẽ ưu tiên để cho người có nhu cầu sử dụng thật sự để mua sử dụng trong khi đó đây lại là chỗ ở duy nhất, ổn định (20 năm) của vợ cả và con trai cả. Trường hợp hai bên không thống nhất được, bố bạn sẽ rất khó khăn trong việc chuyển nhượng thửa đất cho người khác bởi tài sản chuyển nhượng liên quan đến người thứ ba (đang có tranh chấp).
Mặt khác, như bạn trình bày, bố bạn không chăm sóc bà nội hoặc rất ít khi về chăm sóc, việc này do người vợ cả thực hiện. Vậy nên khi bà mất, theo các luật sư, người vợ cả cũng sẽ được hưởng một phần di sản của bà để lại. Song bố bạn Duy lại giấu giếm việc được cho tặng tài sản, hành động này là không công bằng cho người vợ cả.
Do đó, trên phương diện đạo đức, hai luật sư cho rằng bố bạn Duy nên nhìn nhận quyền lợi của bà cả một cách khách quan, có tình, có lý. Dù bố bạn Duy và bà cả không được pháp luật công nhận là vợ chồng nhưng đây là người thực hiện đạo nghĩa của người "con dâu" mấy chục năm qua, đã chăm sóc, phụng dưỡng mẹ chồng một cách vô điều kiện.
"Những giá trị này không thể đong đếm được bằng tiền, luật sư hy vọng bố bạn sẽ giải quyết sự việc một cách thỏa đáng, thấu tình, đạt lý đối với quyền lợi của mẹ con người vợ cả", luật sư nêu.
Hải Thư