Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cho biết cả hai bệnh nhi đều nhập viện vì khối bướu rất to ở vùng cổ sau khi chào đời. Trong đó một bệnh nhi viêm phổi, suy hô hấp phải thở máy, xuất huyết trong khối u. Đây là bướu tân dịch hay còn gọi bướu bạch mạch, u nang bạch mạch bẩm sinh.
Theo bác sĩ Hiếu, khối bướu do dị dạng bạch mạch có thể gặp ở bất kỳ nơi nào của cơ thể. Vị trí thường gặp nhất là ở vùng cổ và mặt. Khối bướu lớn có thể chèn vào đường thở khiến em bé suy hô hấp, ngưng thở hoặc bướu có thể bị vỡ, nhiễm trùng. Tùy từng trường hợp bệnh nhi mà cân nhắc lựa chọn hướng xử trí bướu phù hợp.
Với những khối bướu đơn độc, có thể phẫu thuật bóc tách trọn nang. Khối bướu có nhiều nang nhỏ, lấn vào những vị trí hiểm hóc thì không thể can thiệp phẫu thuật được, nếu mổ sót lại cái nang nào sau này sẽ phát triển lớn dần gây nguy hiểm. Vùng mặt cổ tập trung nhiều dây thần kinh, trong quá trình mổ nếu có sang chấn, tổn thương dây thần kinh sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của não sau này, gây liệt mặt, méo miệng...
"Trường hợp hai bệnh nhi này nếu phẫu thuật bóc tách khối u sẽ đứng trước nhiều nguy cơ nên sẽ được áp dụng phương pháp điều trị khác là hút dịch rồi tiêm thuốc làm xơ hóa khối bướu", bác sĩ Hiếu nói. Dự kiến hai bệnh nhi bắt đầu điều trị vào đầu tuần tới. Bệnh nhi sẽ được siêu âm định vị nang chứa nhiều dịch để hút dịch ra khỏi khối bướu rồi tiêm chất hóa học làm xơ hóa mô bướu. Hóa chất này vừa giúp làm xẹp khối bướu, vừa ngăn không cho tái phát.
Theo bác sĩ Hiếu, bướu bạch mạch có thể phát hiện qua siêu âm tiền sản. Thai phụ cần thăm khám thai định kỳ. Khi phát hiện phải được tư vấn lựa chọn phương pháp sinh hợp lý tùy thuộc vào kích thước khối bướu. Khối bướu ở em bé quá lớn, sinh thường qua ngả dưới sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ cho cả bà mẹ lẫn em bé. Trẻ chào đời có khối bướu phải đến cơ sở y tế có phẫu thuật nhi để thăm khám. Nhiều trường hợp bướu ngoài thì nhỏ nhưng phát triển bên trong và có thể chèn vào đường thở bất kỳ lúc nào.
Mỗi năm Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) tiếp nhận khoảng hơn chục trường hợp bướu bạch mạch ở cả trẻ sơ sinh lẫn trẻ lớn. Vào tháng 7, bệnh viện đã phẫu thuật bóc tách từng mm khối bướu chiếm trọn vùng cổ bên phải, chèn vào khí quản gây khó thở bé gái 15 ngày tuổi. Y văn ghi nhận tỷ lệ bướu bạch mạch bẩm sinh chiếm khoảng 4% tỷ lệ bướu mạch máu.
Lê Phương