Nhạc sĩ Lê Quang phẫu thuật cắt chân ở Mỹ hồi tháng 10. Vợ anh nói về hành trình sát cánh giúp chồng vượt bệnh tật.
- Sức khỏe của chồng chị hiện thế nào?
- Sau khi xuất viện về nhà để chăm sóc vết mổ, hiện chồng tôi ổn định, ăn uống được, chỉ là phải kiêng đồ ngọt, mặn, cơm trắng - vốn không tốt cho bệnh tiểu đường của anh. Tinh thần anh Lê Quang thoải mái hơn so với lúc ở trong bệnh viện. Vừa qua, tôi đưa đi đo kích thước làm chiếc chân giả. Nếu không có gì thay đổi, anh có thể đi lại bình thường trong sáu tháng tới.
- Chị đối mặt khó khăn gì khi chồng bệnh?
- Những gì chúng tôi trải qua gần hai tháng trước giống cơn ác mộng. Khi phát hiện vết nứt ở gót chân anh Quang nhiễm trùng, ăn sâu vào xương, bác sĩ đưa ra hai phương án: cắt bỏ bàn chân vì vết nhiễm trùng sẽ lan vào máu, có thể gây ung thư, nguy hiểm tính mạng, hoặc tiêm mũi thuốc kháng sinh chờ "phép lạ" xảy ra. Anh Lê Quang chọn phương án thứ hai vì không muốn mất chân, bác sĩ bảo đây là một quyết định táo bạo.
Vì dịch, bệnh viện không cho người nhà tiếp xúc bệnh nhân nên tôi không vào thăm chồng khi anh nằm điều trị. Lúc đó, tôi về ôm con gái - Phương Nhi - khóc vì sợ anh chết. Tôi gọi điện thoại khuyên nhủ nhưng anh không nghe. Khi về nhà, vết nứt của ông xã ngày càng hoại tử trầm trọng. Y tá từ chối đến chăm sóc vì thấy tình hình không khả quan. Lúc này, tôi có cơ hội đối mặt với anh. Một lần, tôi nói: "Nếu anh cắt bàn chân, anh vẫn có thể đi lại được, còn hơn là chết. Anh là đàn ông không mặc đầm như con gái, sao lại sợ xấu".
Sau đó, tôi nói dối đưa anh đi rửa vết thương nhưng thực ra chọn một bệnh viện tốt nhất ở quận Cam, California, để điều trị. Bác sĩ bảo phải cắt chân phải của anh, không thể để lâu. Sáng hôm sau, tôi đến viện thăm chồng, được thông báo 20 phút nữa, anh phải phẫu thuật. Tôi thấy mắt anh ươn ướt nhưng cứ lắc đầu bảo: "Anh không có khóc".
- Gặp lại chồng sau ca phẫu thuật, điều đầu tiên chị nói là gì?
- Thấy anh sau ca mổ, tôi nói ngay: "Trời, sao chân của anh dễ thương quá vậy". Ai đến thăm anh tôi cũng dặn hãy giữ tinh thần tích cực, đừng để bộ mặt buồn làm ảnh hưởng tâm lý anh Quang. Tôi nhiều lần khóc vì lo lắng cho ông xã nhưng không bao giờ cho anh ấy thấy. Nếu tôi không vững tinh thần, sao anh có thể vượt qua mọi chuyện.
Ngày phẫu thuật, bác sĩ nói ca mổ mất khoảng ba tiếng đồng hồ. Khi thấy y tá đẩy chồng đi, tôi chạy ngay tới tượng Đức Mẹ Hòa Bình cầu nguyện. Đến khi tôi định quay lại xem tình hình ông xã thì anh ấy đã gọi ra: "Anh xong rồi, mới nhắm mắt mơ màng, mở ra thấy mất tiêu bàn chân".
Về sau, tôi và anh Quang thay đổi suy nghĩ khi trò chuyện với nhân viên làm hồ sơ chân giả ở bệnh viện. Người này kéo ống quần lên và cho biết cũng có một chân giả. Chúng tối bất ngờ vì anh ta đi đứng như người bình thường. Về nhà, anh Quang vui ra mặt và nói: "Sao hay vậy, anh không nghĩ anh ta cũng bị cụt chân. Lúc đó, tôi cảm nhận ông xã hết lo sợ anh trông như một người bị tật.
- Chị chăm sóc chồng như thế nào?
- Những ngày đầu từ bệnh viện về nhà, anh không thể tự làm vệ sinh cá nhân nên cần người hỗ trợ tắm rửa. Tôi lo các bữa ăn cho ông xã từ sáng đến tối, tập cho anh ấy đi lại, canh giờ thử lượng đường trong máu. Tôi trở thành y tá, tay nghề chăm người bệnh cũng khá lên từ việc cho anh ăn uống đến vệ sinh cá nhân. Con gái rất thương bố. Ngoài lo học, con bé hay đùa giỡn, thi thoảng xoa bóp chân cho bố lưu thông máu.
Khi gặp hoạn nạn, quan hệ vợ chồng khăng khít hơn. Trước khi anh bệnh, cả hai sống xa nhau. Anh Quang chủ yếu trong nước lo công việc, thi thoảng qua Mỹ thăm hai mẹ con. Tôi thương chồng bởi tính cách hiền lành, dễ chịu, chịu khó lắng nghe lời khuyên để thay đổi bản thân theo hướng tốt. Anh cũng hợp tác cùng vợ để giữ gìn sức khỏe.
- Hiện áp lực lớn nhất của chị là gì?
- Tôi chăm lo cuộc sống cả gia đình và thấy vẫn ổn, không có gì khó khăn. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp của anh Lê Quang nghe tin, muốn tổ chức chương trình quyên góp, giúp đỡ gia đình tôi, nhưng tôi từ chối vì hoàn cảnh chưa đến mức như vậy. Chi phí y tế của ông xã đã có bảo hiểm lo, tiền ăn học của con gái được trường học hỗ trợ. Tiền trang trải đi chợ, ăn uống của gia đình không quá cao nên tôi tự tin chu toàn mọi thứ nhờ thu nhập đi hát, bán hàng. Tôi không muốn mang nhiều nợ ân tình.
- Chị mong mỏi điều gì?
- Tôi mong chồng có thể đi lại bình thường. Lúc nào mọi người cũng thấy tôi tươi cười, giàu năng lượng vì bản tính tôi vốn vậy. Trước đây, tôi khám sức khỏe, có một khối u trong ngực, nhưng cũng mặc kệ không lo nghĩ nhiều. Tôi vẫn làm việc, vui chơi, về nước thăm quê, bạn bè, khi trở lại Mỹ mới tái khám. Lúc đó, khối u tự biến mất. Tôi nghĩ, sự lạc quan là "thuốc tiên" cho người bệnh.
Tâm Giao