Sự cố vỡ đập xảy ra đêm qua tại công trình thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy do Công ty PNPC đang thi công. Hàng trăm người mất tích và nhiều người ở 6 làng thuộc huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, đông nam Lào, được cho là đã thiệt mạng, theo hãng thông tấn Lào LNA. Hơn 6.600 người rơi vào tình cảnh mất nhà cửa do nước lũ.
Giới chức đã điều thuyền đến đây để sơ tán người dân khi mực nước dâng cao sau khi đập bị vỡ, ABC Laos News đưa tin. Video và hình ảnh tại hiện trường cho thấy người dân đang bế người già, trẻ em sơ tán giữa dòng nước lũ đục ngầu. Nhiều người trèo lên nóc nhà kêu cứu.
Công ty PNPC hôm 23/7 phát cảnh báo về nguy cơ vỡ đập Xe Pian-Xe Namnoy, cho rằng sự cố có thể khiến 5 tỷ mét khối nước tràn xuống sông Xe Pian. Tuy nhiên, LNA sau đó đính chính thông tin, cho hay chỉ có 0,5 tỷ mét khối nước tràn qua đập bị vỡ.
Cảnh ngập lụt ở huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu sau khi vỡ đập. Video: ABC Laos News
Số người mất tích chính xác vẫn chưa được công bố. "Chúng tôi chưa có báo cáo chính thức về sự cố, chúng tôi vẫn đang thu thập thông tin", quan chức chính phủ Lào cho biết.
Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã hoãn cuộc họp chính phủ thường kỳ tháng 8 và dẫn đầu đoàn quan chức cấp cao đến hiện trường thị sát hoạt động cứu hộ và cứu trợ.
Cán bộ ngoại giao Việt Nam tại tỉnh Pakxe cho biết đã có mặt ở hiện trường nhưng chưa xác định được có nạn nhân người Việt nào hay không. Đại sứ quán Việt Nam đang phối hợp với giới chức Lào để tiến hành công tác bảo hộ công dân nếu có công dân Việt bị ảnh hưởng trong vụ vỡ đập thủy điện.
PNPC thành lập năm 2012, chuyên phát triển, xây dựng và điều hành các dự án thủy điện, cung cấp điện cho Lào và Thái Lan.
Dự án thủy điện gồm ba con đập Houay Makchan, Xe Pian và Xe Namnoy, nằm trên các nhánh của sông Mekong. Bên cạnh đó là hồ chứa nước trên sông Xe Namnoy, có độ sâu 73 m và dài 1.600 m, đủ sức tích trữ hơn một tỷ mét khối nước, phần lớn nước lấy từ lưu vực sông Houay Makchan và Xe Pian.
Công trình có tổng kinh phí 1,02 tỷ USD, được PNPC khởi công từ tháng 2/2013 và dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay. Nhà máy thủy điện có sản lượng 410 megawatt, trong đó 90% điện sẽ được xuất khẩu cho Thái Lan, phần còn lại hòa vào lưới điện địa phương.
Đây là dự án liên doanh giữa công ty điện lực Ratchaburi của Thái Lan, Western Power của Hàn Quốc và tập đoàn nhà nước Laos Holding State Enterprise.
Việc xây dựng đập thủy điện ở Lào chủ yếu phục vụ mục đích xuất khẩu năng lượng. Các dự án này thường gây tranh cãi do lo ngại phá hoại môi trường và khiến những cộng đồng dân cư phải di dời đến nơi ở mới. Lào hiện có 10 đập thủy điện đang hoạt động, 10-20 công trình đang xây dựng và hàng chục dự án đang lên kế hoạch.
Một dự án thủy điện khổng lồ đang được xây dựng ở khu vực Xayaburi do tập đoàn CH Karnchang của Thái Lan làm chủ đầu tư, với mục tiêu biến Lào trở thành "nguồn năng lượng điện của Đông Nam Á". Thủy điện có công suất 1.285 megawatt và tổng số tiền đầu tư 3,5 tỷ USD đã gây chia rẽ giữa các nước hạ nguồn sông Mekong, do nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái và mạng lưới sông địa phương.