Theo những gì tôi quan sát được, những người chồng rảnh rỗi rất dễ sinh tật, còn những người vợ đảm thì dễ bị phản bội. Vì sao trong mối quan hệ bình đẳng, chỉ có phụ nữ phải nhẫn nhịn và chịu khó? Trong khi ngày nay, họ cũng có công việc, học tập nâng cao trình độ, đồng thời còn hành kinh mỗi tháng và chửa đẻ.
Tôi là đàn ông, cũng từng là nạn nhân của điều này. Cha mẹ tôi đều là công chức. Mẹ tôi được học đến cao đẳng (cách đây 40 năm), nấu ăn rất ngon, quán xuyến mọi việc từ nhà cửa đến đối nội đối ngoại, là người phụ nữ chuẩn truyền thống. Nhưng kết cục vẫn là tôi chứng kiến gia đình mình ngày càng tan nát.
Cha tôi rảnh rỗi thì đi nhậu và bạn nhậu nói gì có trời mới biết, kết hợp với bản tính vốn có và sự hỗ trợ từ nhà nội, gia đình đã không còn đúng ý nghĩa của nó được nữa. Hậu quả của quá trình đó là hơn 20 năm trầm cảm (tôi giàu tình cảm và rất nhạy cảm), giờ đây tôi chỉ vùng vẫy ngoi lên chứ đừng nói là vươn tới đỉnh cao này nọ.
Gia đình tác giả có lẽ hạnh phúc trên cơ sở sự hy sinh của chị. Chúc mừng chị. Nhưng điều tiên quyết đó là đối phương trân trọng sự hy sinh đó. Sự hy sinh không bao giờ là nền tảng của một mối quan hệ bình đẳng.
Nam
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc