Mẹ đến với cha như một định mệnh an bài. Không có tình yêu, không có sự nhung nhớ đến da diết cháy bỏng, không một buổi hẹn hò lãng mạn, không quà cáp... mà chỉ một câu nói "Có đồng ý không để về mang lễ qua". Và mẹ chính thức trở thành người phụ nữ có chồng. Đám cưới được một ngày, cha để mẹ ở nhà với sự lạ lẫm của ngày đầu về làm dâu, cha bắt tàu đi vào Nam với lý do tìm đường kiếm ăn. Nhưng rồi cha biệt tăm biệt tích. Vắng chồng, mẹ vẫn làm tròn vai trò dâu thảo vợ hiền. Lần vượt cạn đầu đời mẹ sợ hãi đến tột cùng, mẹ mong một câu nói động viên an ủi từ chồng, nhưng chỉ mình mẹ lẻ loi. Đến 2 năm sau, cha mới nhớ đến mẹ và trở về đón mẹ cùng vào Nam.
Sự hăm hở, háo hức của mẹ theo cha, mơ tưởng một ngôi nhà nhỏ ấm cúng đang chờ đợi mình làm chủ..., tất cả đều tan biến khi mẹ đặt chân xuống mảnh đất mà cha gọi là nhà mình. Gạt nước mắt sang một bên, mẹ một tay ẵm con nhỏ, một tay đào đất khai hoang. Một ngày của mẹ bắt đầu khi mặt trời vừa ló sau đỉnh núi, kết thúc khi mặt trời vùi sâu tận chân trời. Mẹ quần quật ngày đêm mong kiếm đủ ngày ba bữa khoai sắn. Cha tôi mang mẹ vào để mặc mẹ chiến đấu với cuộc sống mới, cha vẫn vui thú ở đâu đó, thỉnh thoảng về ngó qua nhà cho có mặt.
Khi mẹ đang dần quen với cuộc sống mới, cha đưa ra quyết định mới: chuyển nhà. Mẹ vẫn im lặng, lầm lũi đi theo cha không một câu phàn nàn. Qua miền đất mới, một tay mẹ khai hoang đất trồng cà phê; một tay mẹ chăm đứa con đầu lòng. Cha vẫn bận bịu với việc làm quen hàng xóm, say sưa với những “bữa tiệc” làm quen. Mẹ khai đất trồng cây, cha chẳng bận tâm. Mẹ thủ thỉ với cha về chăm sóc cây cối trong vườn, cha gạt phắt đi "đàn ông làm việc lớn, đàn bà lo việc nhà". Nhờ những bữa tiệc làm quen, cha trúng cử chức trưởng thôn. Từ đấy, cha quên mất gia đình mình. Cha say sưa đi và thi thoảng về nhà kèm theo một vài ông bạn mà cha gọi thân mật là bằng hữu.
Mẹ vì cha mà vượt cạn 6 lần, sinh cho cha đứa con trai nối dõi tông đường. Nhưng 6 lần vượt cạn là 6 lần mẹ khóc cạn nước mắt vì buồn và tủi. Chưa tròn tháng, mẹ phải đội gió đội mưa xuống vườn, mẹ sợ không có ai nhòm ngó, công sức mẹ đổ ra sẽ mất hết. Cha cũng chẳng lo cho sức khỏe của mẹ. Cha không quan tâm tới nỗi đau mà người phụ nữ phải chịu đựng khi sinh nở. Cha chỉ quan tâm tới niềm vui của cha, cha chỉ quan tâm tới suy nghĩ và công việc của cha.
Rồi cha dính vào chiếu bạc, cha vùi đầu vào bài bạc, bỏ ngoài tai những câu khuyên ngăn của mẹ và hàng xóm. Mẹ khóc nức nở khi đồ đạc trong nhà cứ đội nón ra đi theo mỗi lần cha thâu đếm suốt sáng. Nhiệm kỳ trưởng thôn của cha chưa kết thúc thì bị giáng chức vì ăn bớt cửa sau của dân. Cha lặng lẽ trở về nhà, cõng theo cả đống tiền nợ. Mẹ vẫn cười với cha, nuốt nước mắt vào trong, mẹ cặm cụi làm trả nợ cho cha. Đến mùa thu hoạch, cà phê mẹ chưa kịp đóng vào bao đã có người vào cân đo đem đi. Mẹ nhìn theo mắt đỏ hoe "Con nợ của cha con đó".
Sáu người con cứ lớn dần do một tay mẹ nuôi nấng chăm sóc. Người con đầu vào đại học, người con thứ 2 cũng theo chân chị vào học tại một trương đại học lớn. Niềm vui chưa trọn thì trong mắt mẹ ánh lên tia lo lắng, 4 người còn lại san đều cho các cấp học. Trên đôi vai mẹ đang gánh 6 đứa con tuổi ăn học, nợ nần từ cha. Lưng mẹ trĩu xuống theo thời gian, bệnh tật theo đuổi mẹ thường xuyên hơn, những cơn đau khớp hành hạ mẹ mỗi đêm. Cha vẫn vô tâm, hàng đêm cha vẫn ngon giấc không biết rằng bên cạnh mình đang có người cắn răng vì đau.
Mẹ vừa nai lưng kiếm miếng ăn, vừa canh chừng cha mang đồ đạc trong nhà đi bán, canh chừng cha lấy tiền đi đánh bài. Dù là người trụ cột trong gia đình, nhưng cha vẫn tìm mọi cơ hội, tìm mọi cách để lấy được tiền bỏ vào canh bạc, bỏ vào những bữa nhậu nhẹt suốt đêm với bạn hữu. Đôi bàn tay yếu ớt của mẹ chai sạn dần, khóe mắt mẹ xuất hiện vết chân chim dày đặc, những đêm thức trắng xóa dần tuổi thanh xuân của mẹ. Một cuộc đời hy sinh vì chồng con, nhưng mẹ chỉ tâm niệm một điều rằng những đứa con của mẹ học hành thành tài và may mắn gặp được người chồng tốt, không như mẹ.
* Độc giả gửi bài dự thi tại đây.
Cuộc thi "Viết nên điều kỳ diệu" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với nhãn hàng Hura Deli - Công ty cổ phần Bibica tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Các nhân vật được miêu tả trong bài viết có cơ hội được lựa chọn trở thành nhân vật Thụ hưởng trong Gameshow “Vì bạn xứng đáng” phát sóng trên kênh truyền hình VTV3. Cuộc thi kéo dài đến ngày 19/1/2014. |
Nguyễn Thị Thu Hiền